Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Sơ kết 5 năm triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

14:43, 28/06/2013

Ngày 26-6, Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình huyện Krông Bông tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm (2008-2013) triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và tuyên dương gia đình văn hóa trên địa bàn huyện.

Qua 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Bên cạnh việc chỉ đạo tham mưu công tác ban hành văn bản, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng được chú trọng, thông qua việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhằm đẩy mạnh việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình… đến mọi tầng lớp nhân dân. Phòng Văn hóa và Thông tin đã đã in, kẻ vẽ pa nô, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, cờ phướn; nhân bản, phát hành tờ rơi các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em; cung cấp tài liệu về phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới  cho các xã, thị trấn… Phòng Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan mở lớp tập huấn kiến thức pháp luật về các nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Người cao tuổi… với 870 người tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tích cực phối hợp triển khai các mô hình, câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; đến nay đã có 4 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 4 xã: Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Hòa Phong, Dang Kang; 26 câu lạc bộ lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình… Các vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện giảm dần, năm 2008 số vụ bạo lực gia đình được tiếp nhận và chăm sóc là 246 vụ; năm 2009: 221 vụ; năm 2010: 213 vụ; năm 2011: 197 vụ và năm 2012 là 195 vụ.

Tuy nhiên qua 5 năm triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế: địa bàn dân cư rộng, có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, ngôn ngữ không đồng nhất, trình độ dân trí không đồng đều; một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan tổ chức chưa quan tâm đúng mức hoặc thậm chí coi bạo lực gia đình là chuyện riêng tư. Mặt khác ngân sách chi cho lĩnh vực gia đình và phòng chống bạo lực gia đình hầu như không có; sự phối hợp triển khai hoạt động giữa các đơn vị chưa nhịp nhàng…

Tại Hội nghị các đại biểu đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến năm 2015: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình nhằm giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình xảy ra trong cuộc sống gia đình hằng ngày. Phấn đấu đến hết năm 2015 đạt được các mục tiêu: 14/14 xã, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng các CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững tại xã, thị trấn; triển khai thực hiện tốt “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình cấp huyện và các xã, thị trấn; xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn 2030…

Nhân dịp này, UBND huyện đã tặng giấy khen cho 4 cá nhân, 28 gia đình, 2 tập thể có nhiều thành tích trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình văn hóa.

Thanh Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.