Multimedia Đọc Báo in

Để thực hiện có hiệu quả các quy định về lao động là người giúp việc trong gia đình

09:38, 27/05/2014
Ngày 7-4-2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người giúp việc trong gia đình. Nội dung cơ bản của Nghị định quy định về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và lao động và cơ quan quản lý đối với lao động là người giúp việc trong gia đình...

Đây là chính sách đúng và kịp thời của Nhà nước trong việc bảo vệ lực lượng lao động thuộc diện yếu thế trong xã hội như: lao động chủ yếu là phụ nữ, trình độ học vấn thấp, xa quê và hầu như ai làm nghề này đều có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý để người lao động là giúp việc trong gia đình được đối xử bình đẳng, được hưởng những quyền lợi chính đáng do công sức của họ bỏ ra; buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách như tiền lương, bảo hiểm xã hội, y tế, ốm đau, tiền tàu xe, nghỉ lễ, tết...

Ý nghĩa là thế, tuy nhiên để đưa Nghị định vào cuộc sống là một thách thức rất lớn bởi các lý do như: người giúp việc hầu như ít nắm thông tin liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình; người giúp việc làm việc không có tính ổn định cao do người sử dụng lao động cần trong thời gian ngắn; việc thỏa thuận tiền lương với người giúp việc sẽ thấp đi rất nhiều do phải bỏ chi phí mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hầu hết người giúp việc không muốn lương thấp do bị khấu trừ đóng bảo hiểm, họ chỉ cần lương cao để kịp thời trang trải các chi phí cho cuộc sống của gia đình… Theo ý kiến cá nhân, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, lao động giúp việc gia đình được xã hội thừa nhận là một nghề thì cần phải có chính sách đào tạo nghề một cách hợp lý cho đối tượng này. Vì là đối tượng lao động yếu thế trong xã hội, do đó các lớp đào tạo nghề cần phải mở miễn phí, thời gian đào tạo có thể từ 1-2 tuần, sau đó cấp chứng chỉ nghề. Nội dung đào tạo nghề cho người giúp việc phải nắm vững các kỹ năng cơ bản nhất, đạo đức, tác phong, ứng xử của người giúp việc, đặc biệt là người giúp việc phải nắm đầy đủ các kiến thức pháp luật về lao động liên quan đến nghề giúp việc để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước người sử dụng lao động.

Thứ hai, hầu hết người giúp việc rất cần công việc để có tiền trang trải cuộc sống trong gia đình nên mặc dù họ có biết các quy định về bảo đảm quyền lợi cho lao động giúp việc nhưng không dám phản ánh vì sợ người sử dụng lao động đuổi việc, thậm chí có lúc, có nơi họ bị hành hạ, đánh đập... Do đó, cần phải có biện pháp hữu hiệu để có thể tiếp cận quan hệ sử dụng lao động này như thông qua các chế độ kê khai, báo cáo việc sử dụng lao động giúp việc của người sử dụng lao động; thông qua thông tin của quần chúng nhân dân hoặc thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với quan hệ lao động này...

Thứ ba, tạo điều kiện cho người lao động giúp việc tiếp cận các dịch vụ pháp lý miễn phí thông qua các tổ chức trợ giúp pháp lý nhờ tư vấn, giải đáp pháp luật liên quan nghề giúp việc, có thể tư vấn trực tiếp hoặc tư vấn qua điện thoại; hoặc đại diện tham gia tố tụng giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa người giúp việc và người sử dụng lao động...

Để Nghị định quy định về lao động giúp việc trong gia đình đi vào cuộc sống, để người làm nghề giúp việc có thể hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến nghề rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm thực thi hiệu quả đầy đủ các quy định mang tính nhân văn, ý nghĩa của nghị định này, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Đỗ Văn Nhân

 


Ý kiến bạn đọc