Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Tình trạng vi phạm và tội phạm trong trường học có chiều hướng gia tăng

09:35, 30/05/2014

Thời gian gần đây, tình hình vi phạm và tội phạm học đường tại các Trường THPT trên địa bàn huyện Buôn Đôn đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, cũng như tính chất hành vi.

Trước thực tế đó, mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Buôn Đôn đã ban hành Kiến nghị đến Ban Giám hiệu các trường THPT trên địa bàn đề nghị tăng cường công tác phối hợp, siết chặt quản lý đối với học sinh trong nhà trường…

Mặc dù các cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn chưa có con số thống kê cụ thể các vụ việc vi phạm cũng như tội phạm trong trường học, tuy nhiên, theo đánh giá thì tình hình tội phạm phát sinh trong trường học đang có chiều hướng gia tăng về số lượng, tính chất hành vi cũng ngày càng nghiêm trọng hơn. Vụ việc điển hình là vào cuối tháng 4 vừa qua, thầy giáo Kiều Tấn Phúc (giáo viên dạy Vật lý tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) đã bị học trò đánh phải nhập viện do chấn thương sọ não. Theo thông tin ban đầu từ Công an xã Cuôr Knia thì những đối tượng tham gia đánh thầy Phúc trọng thương đều là những học sinh cũ của trường. Thậm chí trong đó có một học sinh đang theo học lớp 8 tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi thầy Phúc đang dạy.

Trước đó, vào trưa 14-3-2014, tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa cũng xảy ra một vụ án nghiêm trọng liên quan đến học sinh trong trường. Trong quá trình học tập, Võ Hoàng Anh (SN 1996) là học sinh lớp 11B7 và Nguyễn Văn Tý (SN 1996) là học sinh lớp 11B3 của trường xảy ra xích mích với nhau. Khoảng 11 giờ 15 phút ngày 14-3, sau khi tan học, Tý và Anh hẹn nhau ra cổng trường để hòa giải. Tuy nhiên hai bên không hòa giải được nên Tý cùng với anh trai mình là Nguyễn Văn Linh (SN 1993) xông vào đánh Võ Hoàng Anh. Thấy vậy Nguyễn Hữu Hạnh (SN 1997), học sinh lớp 10B6, là bạn của Anh vào can ngăn. Trong lúc giằng co, Tý đã dùng dao nhọn mang theo sẵn đâm 1 nhát vào bụng Hạnh làm thủng ruột non, thủng ruột già, gây tổn hại 55% sức khỏe.

Một trong những vụ việc cũng gây xôn xao dư luận là vụ học sinh mang dao vào trường học đâm nhau xảy ra vào tháng 4-2013 tại Trường THPT huyện Buôn Đôn. Do có xích mích với một số học sinh cùng trường nên Đinh Cao Sáng (học sinh lớp 10B5) đã mang theo dao nhọn và rủ Đỗ Minh Tiến (bạn học cùng lớp) lên tầng 3 của dãy nhà B để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây cả 2 xông vào đánh Y Đrê (học sinh lớp 10B10). Thấy vậy, Y Ngọc Byă và Y Khuch Aroh (bạn cùng lớp với Y Đrê) đến can ngăn thì bị Sáng đã dùng dao nhọn mang đâm khiến Y Ngọc bị vết thương thấu bụng, rách mạch máu và bờ hang vị, tổn hại 26% sức khỏe; Y Khuch bị thương tích phần mềm ở thành ngực, tổn hại 4% sức khỏe.

Trên đây chỉ là những vụ việc điển hình đã được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Trên thực tế, trong quá trình quan hệ, học tập thường nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các em học sinh, giữa học sinh trong trường và thanh thiếu niên hư hỏng ở ngoài trường vẫn chưa được phát hiện để giải quyết kịp thời. Đây cũng là mầm móng phát sinh tội phạm học đường. Trước thực tế đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Buôn Đôn Hoàng Ngọc Long vừa ban hành kiến nghị đến các trường học trên địa bàn đề nghị tăng cường công tác phối hợp, siết chặt quản lý đối với học sinh trong nhà trường…

Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Buôn Đôn đề nghị các trường học cần thành lập các tổ, đội để thường xuyên kiểm tra kịp thời phát hiện việc học sinh mang hung khí nguy hiểm như dao, gậy gỗ, gậy sắt, côn nhị khúc... vào lớp học. Nếu phát hiện học sinh mang hung khí vào trường, vào lớp thì tịch thu và có biện pháp giáo dục, kiểm điểm nghiêm khắc. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tìm hiểu, nắm bắt được các đối tượng hư hỏng ở ngoài trường vào đe dọa học sinh và thầy cô giáo trong trường, hoặc câu kết với học sinh trong trường để đánh nhau (nếu có), kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương, với Công an xã, Công an huyện để xử lý dứt điểm các đối tượng này.

Theo ông Long, ở lứa tuổi các em học sinh, do nhận thức còn chưa được đầy đủ, hoàn thiện nên rất dễ nảy sinh mâu thuẫn và cũng dễ bị kích động dẫn đến phạm tội. Do đó, việc giáo dục các em phải được cả gia đình, nhà trường xà xã hội quan tâm. Riêng trong phạm vi nhà trường, cần có sự phối hợp tốt giữa các tổ chức đoàn thể trong như Công đoàn, đoàn thanh niên, Ban cán sự các lớp học để thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các em tăng cường sự đoàn kết; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của trường lớp, tôn trọng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật; giúp các em thấy được sự nguy hiểm và tác hại của các tệ nạn xã hội, của games bạo lực, các trang mạng đồi trụy... để tự phòng tránh. Ngoài ra, các thầy giáo, cô giáo ở tất cả các môn học, cùng với việc giảng dạy truyền đạt kiến thức cũng cần phải chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, tác phong cho các em học sinh. Bên cạnh đó cần phát huy tinh thần trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và Ban cán sự lớp học để  nắm bắt diễn biến tư tưởng, hành vi, cử chỉ, lời nói của học sinh. Thông qua đó quản lý chặt chẽ các em học sinh cá biệt, có biểu hiện hư hỏng, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn xảy ra giữa các em học sinh để có biện pháp xử lý thỏa đáng nhằm ngăn chặn ngay các hành vi phạm tội có thể xảy ra.

Một trong những giải pháp phòng ngừa hiệu quả nữa chính là mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh. Theo ông Long, gia đình và nhà trường phải thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết để cùng nhau trao đổi thông tin, quản lý giờ giấc và nắm bắt tư tưởng các em. Từ đó mới có thể giáo dục con em chăm chỉ học tập, lao động tốt và chấp hành tốt kỷ luật, pháp luật… Có như vậy mới góp phần cùng với địa phương đấu tranh phòng, chống những hành vi phạm tội nói chung, nhất là những hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các em học sinh và thầy cô giáo nói riêng; góp phần bảo vệ trật tự kỷ cương của nhà trường, bảo đảm môi trường giáo dục yên bình, trong sáng và lành mạnh, ngăn ngừa tình trạng tội phạm học đường đang có xu hướng gia tăng.

Việt Cường

 


Ý kiến bạn đọc