Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Lại "nóng" chuyện phá rừng làm trụ tiêu

09:14, 15/06/2014
Từ đầu mùa khô năm 2014 đến nay, trước tình hình nhu cầu sử dụng gỗ làm trụ trồng tiêu của bà con nông dân ở các xã, thị trấn huyện Ea H’leo tăng cao, các đối tượng chuyên sống bằng nghề rừng ở các xã Ea Ral, Cư Mốt, Ea Wy, Cư Amung đã tăng cường đưa xe công nông, xe gắn máy vào những khu rừng tự nhiên do Công ty Lâm nghiệp Ea Wy quản lý và những tiểu khu rừng của huyện Ea Súp giáp ranh với huyện Ea H’leo để khai thác gỗ trái phép.
 
Các loại gỗ bị khai thác trộm chủ yếu là căm xe, cà chít vàng. Sau khi cây rừng bị triệt hạ, các đối tượng xẻ thành những trụ gỗ có đường kính thân từ 17- 20 cm, dài từ 3,8 - 4m rồi vận chuyển bằng xe công nông (mỗi chuyến có thể chở từ 30-50 trụ) và xe gắn máy độ chế (có thể chở từ 4-6 trụ/chuyến) mang bán cho người trồng tiêu với giá 180.000 – 220.000 đồng/trụ. Nếu người mua yêu cầu chủ gỗ vận chuyển đến tận rẫy vườn ở các thôn, buôn  trên địa bàn các xã Ea Ral,  Ea Khal, thị trấn Ea Đrăng thì mỗi trụ tiêu bằng gỗ căm xe, cà chít vàng (thẳng và lõi lớn) có giá từ 250.000 - 270.000 đồng/trụ. Vào khoảng  15 – 17 giờ và 20 – 21 giờ hằng ngày dễ dàng thấy hàng chục xe công nông, xe gắn máy chất đầy trụ tiêu bằng gỗ nối đuôi nhau chạy trên các tuyến đường liên xã Ea Ral - Cư Mốt – Ea Wy - Cư Amung mà chẳng hề bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Gỗ trụ tiêu bằng căm xe, cà chít vàng sau khi xẻ được chất đầy 2 bên đường ở buôn  Tơ Zoa chờ đưa đi tiêu thụ.
Gỗ trụ tiêu bằng căm xe, cà chít vàng sau khi xẻ được chất đầy 2 bên đường ở buôn Tơ Zoa chờ đưa đi tiêu thụ.

Thấy người dân ở các xã lân cận khai thác gỗ trụ tiêu về bán thu bạc triệu quá dễ, nhiều người ở buôn Tơ Zoa (xã Cư A Mung) là buôn giáp ranh với các tiểu khu rừng tự nhiên của huyện Ea Súp và lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Ea Wy quản lý cũng thi nhau đưa xe công nông vào rừng đốn trộm gỗ về trồng tiêu và bán kiếm tiền. Mỗi ngày có hàng trăm cây căm xe, cà chít (đường kính thân từ 20 cm trở lên) ở các tiểu khu nói trên được các đối tượng phá rừng đốn hạ rồi xẻ thành phẩm chở về chất đống trong vườn, quanh nhà. Những cây gỗ to hơn chưa kịp xẻ trong rừng, sau khi vận chuyển về nhà được người dân dùng cưa lốc xẻ làm đôi, làm tư chờ bán cho người có nhu cầu. Vì vậy, ở buôn Tơ Zoa hiện rất dễ nhìn thấy gỗ trụ tiêu các loại, cả trụ tươi và khô chất ngổn ngang hai bên đường nội buôn, ước tính mỗi đống gỗ khoảng 2-3m3. Đây là những bãi gỗ chưa kịp tiêu thụ, còn số lượng trụ tiêu đã “xuống” đến rẫy, vườn của bà con nông dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Ea H’leo chắc chắn sẽ lớn hơn gấp nhiều lần như thế.

 Trước thực trạng phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu phổ biến như đã nêu trên, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, đơn vị chủ quản cũng như lực lượng kiểm lâm các huyện Ea H’leo và Ea Súp sớm có biện pháp ngăn chặn. Nếu không kiên quyết xử lý đối tượng vi phạm thì những tiểu khu rừng tự nhiên của Công ty Lâm nghiệp Ea Wy, rừng của huyện Ea Súp giáp ranh với địa phận huyện Ea H’leo chắc chắn sẽ bị đốn trụi trong nay mai.

Ngọc Tài

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.