Multimedia Đọc Báo in

Bản án có hiệu lực, vẫn không được thi hành án

08:58, 05/10/2015
Một vụ kiện quyết định hành chính được TAND tỉnh Đắk Lắk đưa ra xét xử phúc thẩm và tuyên án đã hơn 1 năm. Tuy nhiên, bên thua kiện vẫn cố tình dây dưa kéo dài không chịu thi hành án vì lý do… đợi TAND Tối cao xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm(!?).

Thu hồi đất không đúng luật

Ngày 19-7-1989, bà Xà Thị Mai được UBND huyện Ea Kar cấp 1 lô đất tại khối 3A, thị trấn Ea Kar với diện tích 250 m2 theo Quyết định số 17/QĐ-UB (gọi tắt là Quyết định 17). Sau khi được cấp đất, gia đình bà Mai đã làm nhà để ở trên diện tích đó. Không lâu sau, huyện đến vận động gia đình bà Mai tự tháo dỡ nhà để giải tỏa các hộ dân ở phía sau lấn chiếm xây nhà trái phép, sau đó sẽ cho bà Mai dựng nhà lại. Năm 1990, gia đình bà Mai chấp nhận giải tỏa, tự nguyện tháo dỡ nhà. Nhưng sau đó UBND huyện Ea Kar không cho gia đình bà Mai dựng lại nhà mà thu hồi luôn diện tích đất đã cấp.

Năm 1992, gia đình bà Mai làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Ea Kar đề nghị giải quyết đền bù thiệt hại do bị thu hồi đất và cấp lại lô đất khác. Mãi đến ngày 12-1-1996, UBND huyện Ea Kar mới phê duyệt đền bù thiệt hại về tài sản gắn liền trên đất cho gia đình bà Mai với số tiền 5.236.000 đồng. Mặc dù vậy, UBND huyện Ea Kar vẫn không ban hành quyết định thu hồi đất và không ra quyết định đền bù về đất khi thu hồi hoặc cấp cho gia đình bà Mai một lô đất khác theo quy định của pháp luật.

Ngày 29-6-1996, bà Mai ủy quyền cho con trai là ông Thái Văn Lý, trú thôn Tân Bình, xã Ea Knuếk, huyện Krông Pắc khiếu nại lên UBND huyện Ea Kar nhưng không được giải quyết. Ngày 29-6-2012, bà Mai làm đơn khởi kiện vi phạm hành chính của UBND huyện Ea Kar và ngày 17-10-2013 có đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện về việc UBND huyện Ea Kar đã lấy đất của gia đình bà nhưng không ban hành quyết định thu hồi, không đền bù thiệt hại về đất hoặc cấp cho gia đình bà một lô đất khác.

Tại Bản án sơ thẩm số 01/2014/HCST, ngày 31-3-2014, TAND huyện Ea Kar đã tuyên xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Xà Thị Mai. Không chấp nhận quyết định này, đại diện theo ủy quyền của bà Mai đã kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm. Ngày 14-4-2014, Viện KSND huyện Ea Kar cũng ra quyết định kháng nghị theo hướng sửa bản án sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm số 15/2014/HCPT, ngày 16-7-2014 của TAND tỉnh nhận định: Sau khi gia đình bà Mai nhận tiền đền bù thiệt hại về tài sản gắn liền trên đất nhưng UBND huyện Ea Kar không ban hành quyết định thu hồi đất theo đúng trình tự thủ tục và không ra quyết định đền bù về đất khi thu hồi hoặc cấp cho gia đình bà Mai một lô đất khác là trái với Khoản 5, Điều 49 Luật Đất đai năm 1987, Điều 28 Luật Đất đai năm 1993 và Khoản 1 Điều 3, Khoản 2 Điều 6 Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 20-4-1998 của Chính phủ. Việc bà Mai khởi kiện vụ án hành chính cho rằng UBND huyện Ea Kar thu hồi đất của gia đình bà mà không ra quyết định thu hồi đất, không đền bù thiệt hại về đất là hoàn toàn có căn cứ. Căn cứ Khoản 2 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính, TAND tỉnh đã chấp nhận đơn kháng cáo của bà Xà Thị Mai và kháng nghị của Viện KSND huyện Ea Kar, buộc UBND huyện Ea Kar phải ban hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích 250 m2 theo Quyết định số 17 và đền bù thiệt hại về đất cho gia đình bà Mai theo quy định của pháp luật.

Giải quyết hậu quả cũng... trái luật

Sau khi bản án có hiệu lực thi hành, gia đình bà Mai đã có đơn đề nghị thi hành án gửi đến các cơ quan chức năng để được thi hành bản án. Tuy nhiên, UBND huyện Ea Kar vẫn cố tình dây dưa không chịu giải quyết. Tại Biên bản làm việc số 02/BB-BTCD của Ban tiếp công dân (Văn phòng HĐND-UBND) huyện Ea Kar lập ngày 3-2-2015, ông Huỳnh Minh Dương, Phó Chánh Thanh tra huyện giải thích với ông Thái Văn Lý (người đại diện theo ủy quyền của bà Mai) rằng: Hiện nay UBND huyện Ea Kar đang đề nghị TAND Tối cao xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì vậy, ông Lý phải đợi hết thời hạn đề nghị giám đốc thẩm (thời hạn còn lại là 5 tháng) mà không có kết quả, UBND huyện Ea Kar sẽ thi hành bản án(!?) Và từ đó đến nay, gia đình bà Mai vẫn đang mỏi mòn chờ UBND huyện Ea Kar thi hành bản án phúc thẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Trí, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện kiêm Trưởng Ban Tiếp công dân huyện Ea Kar cho rằng đây là vụ việc tương đối phức tạp nên chưa thể giải quyết ngay được. Ông Trí cho biết vụ việc hiện đang được cơ quan Thanh tra huyện tham mưu cho UBND huyện xử lý. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề được làm việc với Thanh tra huyện thì ông Trí từ chối với lý do: “Lãnh đạo Thanh tra huyện đang bận, không thể tiếp nhà báo được”. Còn theo lời ông Lê Văn Hồng, Chánh Văn phòng UBND huyện Ea Kar: “Mới đây, UBND huyện cũng đã mời các thành phần có liên quan như: Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra huyện… để họp bàn hướng giải quyết. Và hiện nay, huyện đã đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng như Chi cục Thi hành án dân sự huyện hoãn thi hành án đối với bản án phúc thẩm này. Bởi huyện cũng đã làm các văn bản đề nghị giám đốc thẩm và TAND Tối cao đã nhận hồ sơ. Huyện không dám nói là không chấp hành bản án. Tuy nhiên, khi nào TAND Tối cao có ý kiến trả lời thì khi đó huyện mới trả lời được”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk về vụ việc này, Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh khẳng định: Đối với án phúc thẩm, dù đó là loại án gì (dân sự, hình sự, lao động, hành chính…), ngay sau khi tòa tuyên án thì án có hiệu lực thi hành. Tất cả mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đều phải có nghĩa vụ chấp hành và thực hiện đúng đắn các quy định của bản án, quyết định phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Mọi trường hợp dây dưa kéo dài đối với việc thực hiện các quy định của bản án phúc thẩm đều trái quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, UBND huyện Ea Kar phải có trách nhiệm thi hành bản án phúc thẩm số 15/2014/HCPT, ngày 16-7-2014 của TAND tỉnh ngay sau khi tòa tuyên án.

Quan điểm về Biên bản làm việc số 02/BB-BTCD của Ban Tiếp công dân huyện Ea Kar lập ngày 3-2-2015, Luật sư Tạ Quang Tòng cho rằng: “Nội dung biên bản là trái quy định của pháp luật. Việc đề nghị giám đốc thẩm là quyền của UBND huyện Ea Kar, nhưng trách nhiệm của huyện là phải thi hành án, không thể để người dân chờ. Việc này sẽ tạo tiền lệ xấu là các cơ quan Nhà nước không chấp hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời làm cho bản án phúc thẩm giảm giá trị thi hành”.

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.