Multimedia Đọc Báo in

Cần nhân rộng các mô hình tự quản về an toàn giao thông

08:50, 27/05/2016

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình tự quản về an toàn giao thông như: Đội “Thanh niên tình nguyện giữ gìn trật tự an toàn giao  thông” ở thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông); Đội “Thanh niên xung kích giữ gìn trật tự an toàn giao thông” của Đoàn Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Krông Pắc); mô hình tự quản về an ninh, trật tự trong trường học tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ thuộc xã Cư Né (huyện Krông Búk)...

Sau thời gian hoạt động, các mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần ổn định trật tự, an toàn giao thông, giảm tình trạng ùn tắc, va chạm trong giờ cao điểm, giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra ở địa bàn khu dân cư; ý thức của học sinh, phụ huynh khi tham gia giao thông được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, các mô hình cũng chỉ mang tính chất tự phát, chưa có quy định thống nhất về tổ chức, hoạt động, cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên.

Tự quản an toàn giao thông là việc nhân dân tham gia góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Thực tế cho thấy, chức năng, nhiệm vụ của các mô hình tự quản an toàn giao thông là tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường, trường học và khu dân cư; góp phần bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, nhắc nhở người dân khi lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông; đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất… Việc được trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ nâng cao ý thức của người dân trong công tác này, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn giao thông nói riêng; đồng thời, sẵn sàng nhắc nhở hoặc báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.

Mô hình tự quản là biện pháp hữu hiệu để bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần được triển khai nhân rộng. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình này, các thành viên tham gia cần được tập huấn về nghiệp vụ và những kiến thức cơ bản về pháp luật, tránh việc lợi dụng danh nghĩa để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện, có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của các mô hình tự quản và kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn trật tự, an toàn giao thông nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần ban hành quy chế hoạt động mẫu của mô hình này để các địa phương thống nhất thực hiện và thuận lợi trong công tác quản lý. 

Phan Thị  Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.