Multimedia Đọc Báo in

"Nóng" tình trạng chặt cây rừng làm trụ tiêu ở Ea Kiết

07:55, 04/09/2016

Giá tiêu tăng cao trong vài năm trở lại đây đã kéo theo nhu cầu sử dụng gỗ làm trụ trồng tiêu của bà con nông dân ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu đó, nhiều người dân xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đổ xô vào rừng chặt hạ cây về làm trụ tiêu hoặc bán kiếm tiền.

Anh Hoàng Văn Giang, người dân sống tại buôn H’Mông cho biết, thời gian trước, trên đoạn đường vào buôn H’Mông (trong các tiểu khu 540, 544, 547 thuộc Lâm trường Buôn Ja Wầm), trụ tiêu bằng gỗ căm xe, cà chít tươi chất đầy hai bên đường. Nay đường vào rừng có lắp camera theo dõi nên những đối tượng phá rừng đi đường tắt tránh né. Họ vào rừng chặt cây vào buổi tối và tìm nơi tập kết ở chỗ bí mật hơn sau đó chở thẳng về nhà hoặc nương rẫy.

Cây rừng được dùng làm trụ tiêu ở xã Ea Kiết.
Cây rừng được dùng làm trụ tiêu ở xã Ea Kiết.

Theo chân anh Hoàng Văn Giang vào buôn H’Mông, chúng tôi bắt gặp những rẫy tiêu mới trồng với những trụ tiêu toàn bằng cây rừng. Tìm đến gia đình ông Sùng Văn Hải với mong muốn tìm mua cây rừng về làm trụ tiêu, ông Hải không ngần ngại cho biết những trụ tiêu ông dùng trong rẫy đều là cây rừng mà ông và gia đình đi chặt về. Cũng tại khu vực này, rẫy của ông Lý Văn Tàng có khoảng gần 400 trụ tiêu cả trồng mới và trồng từ vụ trước. Ông Tàng cho biết các trụ tiêu ông trồng chủ yếu là cà chít và căm xe chặt ở trong rừng về.

Ông Hoàng Văn Bá, trưởng buôn H’Mông cho biết, tình trạng chặt cây rừng về làm trụ tiêu diễn ra thường xuyên ở cả trong lẫn ngoài buôn, tuy nhiên người đi chặt cây thường lén lút nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Hiện trên địa bàn xuất hiện những tốp dân di cư từ Hà Giang vào sống nay đây mai đó không rõ danh tính và nơi cư trú.  Họ chuyên cung cấp cây rừng về làm trụ tiêu cho những ai có nhu cầu. Mỗi trụ tiêu, chủ yếu là bằng gỗ căm xe, cà chít đường kính 17-30 cm, dài 3 m trở lên, thậm chí thấp hơn đang được bán với giá trên 100 nghìn đồng. Nếu đường kính tầm 10 cm và cây rừng là gỗ tạp thì giá 80 nghìn đồng/trụ. Họ tập kết cây chặt được ở những chỗ bí mật hoặc khi có người đặt mua mới bắt đầu vào rừng chặt.

Mặc dù rừng ở các tiểu khu do Lâm trường Buôn Ja Wầm quản lý đã và đang bị chặt phá, xâm hại với mức độ ngày càng nghiêm trọng nhưng theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND xã Ea Kiết cùng với kiểm lâm, Công an huyện chỉ bắt giữ được 3 vụ vận chuyển lâm sản trái phép. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết, thời gian qua UBND xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến luật và các nghị định, thông tư, văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng đến người dân; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát trên địa bàn để ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển, khai thác lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất rừng… Tuy nhiên, nhận thức của người dân trên địa bàn còn hạn chế, hơn nữa, phần lớn diện tích rừng trên địa bàn thuộc quyền quản lý của Lâm trường Buôn Ja Wầm, UBND xã Ea Kiết chỉ có trách nhiệm phối hợp ngăn chặn trong quá trình vận chuyển lâm sản trái phép…

Trước thực trạng phá rừng làm trụ tiêu trái phép diễn ra phổ biến và ngày càng nghiêm trọng ở xã Ea Kiết, thiết nghĩ chính quyền và các ngành chức năng cần sớm vào cuộc điều tra để có những biện pháp cụ thể ngăn chặn, xử lý nạn phá rừng làm trụ tiêu ở địa phương này.   

Khả Ngân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.