Multimedia Đọc Báo in

Lâm tặc ngoại tỉnh tấn công rừng giáp ranh

08:06, 09/10/2016

Trong 2 ngày 28 và 30-9, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Ea Sô huyện Ea Kar và Ban quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu huyện M’Đrắk đã phát hiện 2 vụ phá rừng nghiêm trọng do các đối tượng từ tỉnh Phú Yên gây ra. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang vào cuộc quyết liệt để điều tra, xử lý những đối tượng liên quan.

Vào chiều 30-9, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Công an huyện M’Đrắk đã phát hiện và bắt giữ 4 đối tượng gồm: Nguyễn Kiệp, Đỗ Ngọc Khoa, Trần Khánh Linh và Hồ Văn Hùng (cùng trú tỉnh Phú Yên) đang vận chuyển gỗ lậu tại thuộc Tiểu khu 718 do Ban quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu quản lý (huyện M'Đrắk). Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 3 xe độ chế dùng để chở gỗ, 65 lóng gỗ với khối lượng hơn 35 m3 thuộc chủng loại từ nhóm III đến nhóm IV. Lực lượng chức năng đã tạm giữ các đối tượng, tang vật để điều tra làm rõ vụ việc.

             Cây giáng hương có  đường kính  50 cm bị chặt hạ  tại  Khu  bảo tồn Thiên nhiên  Ea Sô.  Ảnh: Nguyễn Hiếu
Cây giáng hương có đường kính 50 cm bị chặt hạ tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô. Ảnh: Nguyễn Hiếu

Trước đó, sáng 28-9, lực lượng Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô trong khi tuần tra tại Tiểu khu 622 phát hiện một nhóm đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép. Lực lượng kiểm lâm đã tiến hành bắt giữ được 3 đối tượng gồm: Lê Mô Y Cường (SN 1980), Ha Ra Y Trang (SN 1993), La Ô Y Em (SN 1999) cùng trú tại buôn Zô (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có 26 cây gỗ giáng hương (nhóm IIA), đường kính phần gốc từ 20 – 35 cm bị chặt hạ. Phần lớn gỗ đã bị lấy đi chỉ còn lại cành ngọn và 31 phách gỗ các đối tượng chưa kịp vận chuyển.

Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô cho biết, đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc và các đối tượng khai thác gỗ trái phép cho Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Ea Kar để điều tra xử lý. “Khu vực rừng bị phá nằm ở xa các trạm quản lý bảo vệ rừng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn cho công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng. Các đối tượng lâm tặc đã lợi dụng mùa mưa, nước suối Ea Puich chảy qua khu vực này lên cao, sau khi đốn hạ và xẻ phách gỗ xong, lâm tặc dùng túi ni lông, săm ôtô bơm đầy hơi cột gỗ vào sau đó thả trôi theo dòng nước chảy về sông Krông H’năng đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk – Phú Yên rồi từ đây gỗ được vận chuyển sang tỉnh Phú Yên.”, ông Ý cho biết thêm.

Còn ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu lý giải: Thời điểm trước khi phát hiện ra vụ phá rừng này trời mưa liên tục, khiến việc tuần tra bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, lâm tặc đã lợi dụng để đưa phương tiện vào rừng khai thác gỗ. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận rằng lực lượng kiểm lâm được giao giữ rừng ở khu vực này đã chủ quan, lơ là trong công tác tuần tra, kiểm soát. Còn về việc xử lý các cán bộ kiểm lâm để mất rừng, ông Dũng cho hay, trước mắt, đơn vị đã yêu cầu Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 4 (được giao bảo vệ khu vực rừng này) làm báo cáo chi tiết về công tác tuần tra bảo vệ rừng trong thời gian qua và vụ việc vừa bị phát hiện. Đối với các kiểm lâm viên thuộc trạm này sẽ phải viết bản tường trình và bản kiểm điểm. Còn sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu các cán bộ giữ rừng của đơn vị có liên quan thì sẽ tiến hành xử lý nghiêm, không bao che dung túng.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.