Kết quả bước đầu trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-5-2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 5-5-2010 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng được chú trọng, đẩy mạnh.
Nhiều hoạt động, chương trình, kế hoạch thiết thực để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai và đạt những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã triển khai đầy đủ và hiệu quả các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành nói chung và văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu các quy định pháp luật. Các sở, ban, ngành của tỉnh và một số UBND huyện, thị xã, thành phố đã duy trì các Trang thông tin điện tử công khai thủ tục hành chính, cung cấp thông tin pháp lý hỗ trợ cho doanh nghiệp và giải đáp pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực. Mọi doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin trên các kênh thông tin này.
Doanh nghiệp, người dân làm thủ tục hành chính tại Phòng một cửa UBND TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia |
Để triển khai việc xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh biên soạn và phát hành tờ gấp, đề cương các luật mới ban hành…, giới thiệu chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp như: Tìm hiểu về Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bồi thường Nhà nước; Luật Bán đấu giá; thuế đất phi nông nghiệp; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tố tụng dân sự; Bộ luật Lao động; những quy định cơ bản về thuế thu nhập cá nhân; các quy định về bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động… Ngoài ra, còn có các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác như băng, đĩa, đăng thông tin trên Báo Đắk Lắk, bản tin chuyên ngành đăng tải nhiều thông tin về doanh nghiệp… được phát hành miễn phí đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Riêng Liên minh Hợp tác xã đã biên tập và phát hành 500 cuốn “Kinh tế hợp tác - Doanh nghiệp nhỏ và vừa”, trong đó nội dung chủ yếu là hướng dẫn thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012.
Việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng luôn được chú trọng. Các sở, ban, ngành đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp như: Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật với chủ đề “Cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động tư pháp và phát huy vai trò của trọng tài thương mại trong giải quyết các tranh chấp kinh tế tại Việt Nam”; tập huấn về “Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp và phổ biến Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”; tập huấn về công tác tổ chức và điều hành tour du lịch; tập huấn Marketing du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng và tiếp thị sản phẩm du lịch địa phương... Bên cạnh đó, hoạt động giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận kiến nghị và hoàn thiện pháp luật cũng được tiến hành thường xuyên tại các sở, ban, ngành giúp doanh nghiệp tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc nhất định, góp phần hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
UBND tỉnh còn triển khai, thực hiện các Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 2139/QĐ-TTG ngày 28-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ pháp lý từ Nhà nước chưa nhiều. Vì vậy, thiết nghĩ, trong thời gian tới UBND tỉnh cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp, thông qua việc xây dựng một thiết chế đủ mạnh để thực hiện công tác này như: xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo lập khung pháp lý trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020; bảo đảm nguồn kinh phí phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tạo mối liên kết giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là kết hợp với các tổ chức hành nghề luật sư, đoàn luật sư; xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách tập trung, có hệ thống, cập nhật thường xuyên. Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động nâng cao nhận thức pháp luật, tận dụng tối đa sự hỗ trợ pháp lý từ Nhà nước; khai thác nhiều kênh thông tin pháp luật để nắm bắt kịp thời các thông tin pháp luật vận dụng trong quản lý, sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ chính mình trước nguy cơ rủi ro cao trong kinh doanh.
Phan Hiền
Ý kiến bạn đọc