Multimedia Đọc Báo in

Công an huyện Buôn Đôn nỗ lực thu hồi, ngăn chặn súng tự chế

08:29, 12/05/2017

Thời gian gần đây, tình trạng chế tạo, sử dụng súng bắn đạn bi bằng hơi cồn diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện Buôn Đôn.

Trước tình hình đó, Công an huyện Buôn Đôn đã triển khai các biện pháp nhằm thu hồi, ngăn chặn súng tự chế giảm thiểu nguy cơ gây mất an ninh trật tự ở cơ sở.

Theo Thiếu tá Bùi Thọ Thanh, đội trưởng Đội xây dựng phong trào phụ trách xã về an ninh trật tự Công an huyện Buôn Đôn cho biết, huyện Buôn Đôn có diện tích rừng lớn và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều người dân vẫn có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật hoang dã, chim muông. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều loại súng tự chế một phần là do việc chế tạo súng khá đơn giản. Chỉ cần xem cách chế tạo súng trên mạng Internet, ra chợ mua vật liệu là ai cũng có thể chế tạo súng. Bi sử dụng để bắn cho loại súng này có hai loại là bi ve và bi xe đạp. Đối tượng sử dụng súng chủ yếu là thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số. Ngoài việc sử dụng súng để săn bắn, rất dễ xảy ra tình trạng dùng loại vũ khí này để giải quyết mâu thuẫn hoặc xảy ra các sự cố ngoài ý muốn trong quá trình chế tạo, sử dụng súng.

Dù là súng tự chế nhưng loại súng này có tính sát thương cao và có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.

Thực tế trong thời gian qua trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã xảy ra những vụ gây thương tích do sử dụng súng tự chế bắn đạn bi. Mới đây nhất, vào ngày 9-4-2017, Y Khốt Bkrông (SN 2004) cùng Quách Đình Bắc (SN 2007), cùng trú buôn Đrang Phôk, xã Krông Na mang súng cồn vào rừng bắn chim. Khi Y Khốt trèo lên cây, Bắc đưa súng lên cho Y Khốt thì không may súng nổ bắn thẳng vào mắt khiến Y Khốt bị tổn thương mắt khá nặng. Trước đó vào đầu năm 2016, cũng tại buôn Đrang Phôk, Y Tiêu Byă (SN 1999) và Y Gôn Ksơr (SN 2003) cùng mang súng hơi cồn bắn đạn bi vào rừng tìm trâu. Trong lúc chơi đùa, Y Tiêu đã bắn vào mắt Y Gôn gây thương tích. Do hoảng sợ nên Y Tiêu đã dùng súng bắn vào đầu mình với ý định tự sát nhưng không thành. May mắn là sau đó cả hai em đã được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

Công an huyện Buôn Đôn kiểm tra súng  tự chế của người dân giao nộp.
Công an huyện Buôn Đôn kiểm tra súng tự chế của người dân giao nộp.

Trước những hiểm họa của việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí tự chế trên địa bàn huyện, Công an huyện Buôn Đôn đã xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra, kiểm soát tình hình sử dụng súng tự chế, vật liệu nổ trên địa bàn; triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng chế tạo, sử dụng súng tự chế; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, Công an huyện Buôn Đôn phối hợp với đơn vị có liên quan và chính quyền các xã tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệt nổ.

Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, sự kiên trì vận động, thuyết phục của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, nhiều người dân đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng chức năng. Trong 4 tháng đầu năm 2017, Công an huyện Buôn Đôn vận động nhân dân giao nộp được 20 khẩu súng tự chế các loại và 4 công cụ hỗ trợ khác. Thiếu tá Bùi Thọ Thanh cho biết: “Thời gian tới, để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng súng tự chế, Công an huyện Buôn Đôn sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng sản xuất, tàng trữ, sử dụng súng tự chế. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp các loại vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ còn trôi nổi trái phép trong cộng đồng”.

Xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Sau gần 1 tháng triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ trái phép tại buôn Đrang Phốk (bắt đầu từ ngày 13-4), Công an xã Krông Na phối hợp với Công an huyện Buôn Đôn và cán bộ Đồn Biên phòng 743 đã vận động người dân buôn Đrang Phốk giao nộp 20 khẩu súng cồn tự chế, 4 bộ kích điện, 26 viên đạn súng kíp, 232 viên đạn súng thể thao; bắt và lập biên bản 1 vụ mua bán vật liệu nổ trái phép.

Trần Tú Anh 

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.