Multimedia Đọc Báo in

Giã từ ảo mộng

14:38, 26/07/2017
Sau khi bị một số phần tử xấu lừa vượt biên sang Campuchia sống lay lắt gần 2 năm, vừa qua đã có 13 người ở một số buôn làng trên địa bàn tỉnh trở về quê hương.
 
Họ đã được chính quyền, già làng, trưởng  buôn và bà con buôn làng bao dung, mở lòng tha thứ, tạo điều kiện thuận lợi để trở lại quê cũ làm ăn.

Đang sinh sống, làm ăn yên bình cùng bà con buôn làng thì hai vợ chồng Y Dương Mlô (SN 1981) và H’Nơm Mlô (SN 1983), ở buôn Trấp, xã Ea Đrơng (TX. Buôn Hồ)   bị bọn phản động Fulrô lưu vong ở nước ngoài gọi điện thoại gạ gẫm vượt biên sang Campuchia rồi sẽ được người của Liên hiệp quốc đưa sang Mỹ hoặc một nước thứ 3 để có cuộc sống giàu có, sung sướng, nhàn hạ. Nếu muốn đi thì mỗi người phải nộp cho chúng 25 triệu đồng. Lóa mắt về một thiên đường xứ người nên Y Dương đã chạy vạy kiếm cho đủ 50 triệu đồng đưa cho một đối tượng. Sau đó, hai vợ chồng Y Dương cùng 2 đứa con nhỏ lén lút vượt biên sang Campuchia vào tháng 5-2015.  Đến đất Campuchia, cả gia đình Y Dương bị đưa  vào 1 trại tạm cư do các nhân viên Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) quản lý.  Lúc này, vợ chồng Y Dương mới vỡ mộng vì bị lừa.

Chính quyền địa phương hỗ trợ vật chất ban đầu cho Y Bhieu HWing, Y Nhi Rcăm  và Y Răng Êban (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) ngay khi cả 3 vừa về đến quê hương.
Chính quyền địa phương hỗ trợ vật chất ban đầu cho Y Bhieu HWing, Y Nhi Rcăm và Y Răng Êban (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) ngay khi cả 3 vừa về đến quê hương.

Tương tự là trường hợp của vợ chồng Y Thoa Rcăm (SN 1981) và H’Cera Niê (SN 1989), ở buôn Tùng Thăng, xã Ea Ral (huyện Ea H’leo). Cũng vì nghe theo lời dụ dỗ của bọn lừa đảo mà vào tháng 7-2015, cặp vợ chồng này đã vay mượn tiền nộp cho kẻ xấu, dẫn theo 4 đứa con nhỏ vượt biên sang Campuchia rồi bị bỏ mặc bơ vơ ở xứ người. Hằng ngày, cả hai vợ chồng phải đi phụ hồ thuê rất vất vả, khổ cực để kiếm mỗi ngày một ít tiền sống qua ngày. Sau đó, họ bị cảnh sát Campuchia gom vào khu tạm cư và giám sát rất chặt chẽ khiến cuộc sống rất tù túng, mất tự do.

 

“Mình bị bọn xấu nó lừa. Nó nói qua Campuchia rồi sẽ được đưa sang nước thứ 3 sống sung sướng nhưng hóa ra đến Campuchia rồi thì không được đi đâu cả, cuộc sống rất khó khăn, cơm ăn không đủ, quần áo mặc không có. Mình sai rồi!”.

 

 
Y Răng Êban (buôn Pôk, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar)

Tình cảnh của Y Bhieu Hwing (SN 1971), Y Nhi Rcăm (SN 1995) và Y Răng Êban (SN 1991), ở buôn Pôk, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) cũng vậy. Sau khi bị lừa vượt biên sang Campuchia và đưa vào trại tạm cư, do cuộc sống rất khó khăn nên họ phải lén trốn ra ngoài làm thuê kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Tất cả những người đã vượt biên sang Campuchia đều rất nhớ gia đình, buôn làng, bè bạn, nhiều người rất muốn được trở về nhưng không biết phải làm thế nào.

Sau một thời gian phối hợp làm việc, chính quyền hai nước Việt Nam và Campuchia cùng UNHCR đã đưa 13 người nói trên trở về buôn làng. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ một số nhu yếu phẩm ban đầu; đồng thời động viên các đối tượng không mặc cảm, yên tâm làm ăn với bà con buôn làng như trước. Được trở về nhà, Y Dương xúc động bày tỏ sự cảm ơn đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền và bà con. Anh còn nhắn nhủ với bà con trong buôn: “Xin bà con hãy cảnh giác trước những mánh khóe lừa bịp của bọn Fulrô. Chúng gọi điện thoại về nói qua đó sống sung sướng có xe, có tiền, cuối cùng thì gia đình tôi đã bị lừa mất tiền mà không được gì cả”.  Sau khi đặt chân về đến buôn làng, những người bị lừa vượt biên đang cố gắng bắt nhịp lại với cuộc sống đời thường. Người lớn đã trở lại với công việc ruộng rẫy; các cháu nhỏ đang chuẩn bị đi học trở lại vào năm học mới sắp tới. Tất cả đã tỉnh ngộ. Và câu chuyện họ lầm lỡ hai năm trước đây chỉ như một cơn ác mộng đã qua đi…

Trọng Tính


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.