Xét xử sơ thẩm vụ Công ty TNHH Hiền Thái tàng trữ, vận chuyển, mua bán gỗ lậu
3 cán bộ kiểm lâm "nhúng chàm"
Ngày 1-8, TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng đối với bị cáo Phạm Ngọc Diệu Hiền (SN 1972), trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiền Thái.
Liên quan đến vụ án này, hội đồng xét xử cũng đã tuyên án đối với 3 bị cáo nguyên là cán bộ kiểm lâm gồm: Hoàng Văn Luyến (SN 1966, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng II; Nguyễn Cảnh Thành (SN 1978) trú phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột và Nguyễn Tấn Dương (SN 1962) trú phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột, nguyên là cán bộ Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đột kích “sào huyệt” gỗ lậu
Năm 2008, Phạm Ngọc Diệu Hiền cùng chồng là Nguyễn Trọng Thái thành lập Công ty TNHH Hiền Thái, trụ sở đặt tại 126 đường Giải Phóng, TP. Buôn Ma Thuột; ngành nghề kinh doanh chính là mua bán, chế biến lâm sản. Ông Thái làm giám đốc công ty đến ngày 1-5-2010 thì ủy quyền trực tiếp quản lý, điều hành công ty cho Phó Giám đốc là bà Hiền.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ngày 7-9-2014, tại tỉnh Quảng Bình, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an đã phát hiện 2 xe rơ-mooc của Công ty TNHH Hiền Thái chở hơn 101 m3 gỗ hương xẻ nhóm IIA không có hồ sơ hợp pháp nên đã tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Sau khi biết tin 2 xe gỗ bị bắt tại Quảng Bình, Phạm Ngọc Diệu Hiền đã chỉ đạo nhân viên công ty bốc 60,898 m3 gỗ hương và gõ mật tại xưởng cưa của công ty (địa chỉ 85 Y Wang, TP. Buôn Ma Thuột) lên 2 xe rơ-mooc nhằm tẩu tán. Tuy nhiên, trên đường di chuyển thì 2 xe gỗ này cũng đã bị lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phát hiện bắt giữ.
Các bị cáo nghe hội đồng xét xử tuyên án. |
Nhận định các xưởng cưa của Công ty TNHH Hiền Thái có dấu hiệu bất minh, ngày 9-9-2014, UBND huyện Ea Súp ra quyết định kiểm tra hành chính cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ của công ty này tại thôn 6, xã Cư M’lan thì phát hiện 162,180 m3 gỗ các loại chưa xác định được chủ sở hữu. Cùng ngày, UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng quyết định kiểm tra hành chính 2 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái (địa chỉ 85 Y Wang, phường Ea Tam và 267 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện thêm 1.228,413 m3 gỗ (quy tròn) không có nguồn gốc hợp pháp và 90,257 m3 gỗ các loại chưa xác định được chủng loại.
Hồ sơ vụ án cũng như tang vật ngay sau đó đã được cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk và Quảng Bình chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Quá trình tiếp nhận hồ sơ, cơ quan điều tra tiến hành giám định và căn cứ hồ sơ tài liệu liên quan đã trả lại hơn 332 m3 gỗ có nguồn gốc hợp pháp cho Công ty Hiền Thái và trả lại gần 130 m3 gỗ của các tổ chức, cá nhân gửi tại kho xưởng của Công ty Hiền Thái.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định từ năm 2012 đến tháng 9-2014, Hiền đã buôn bán, vận chuyển, cất giữ trái phép hơn 622 m3 gỗ (quy tròn), trong đó có hơn 310 m3 gỗ thuộc nhóm IIA (gỗ tự nhiên quý hiếm). Để hợp thức hóa số gỗ trên, Hiền đã mua 4 hóa đơn giá trị gia tăng khống của các công ty tại TP. Đà Nẵng và Bắc Ninh với giá hơn 674 triệu đồng.
Cán bộ kiểm lâm “nhúng chàm”
Tại phiên tòa sơ thẩm, cáo trạng của Viện KSND Tối cao và Hội đồng xét xử cũng đã làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của số cán bộ kiểm lâm. Trong đó, đáng chú ý là sự “giúp đỡ” nhiệt tình của bị cáo Hoàng Văn Luyến, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng II, trụ sở tại TP. Thanh Hóa. Theo cáo trạng, vào ngày 3-7-2013, tại địa phận TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Đội Kiểm lâm đặc nhiệm - Cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng II kiểm tra xe ôtô đầu kéo rơ-mooc chở gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái, phát hiện hơn 63 m3 gỗ các loại, trong đó có 38 lóng gỗ trắc (tương đương 1,723 m3 gỗ quy tròn) không có hồ sơ hợp pháp. Sau đó, Cục trưởng Cục Kiểm lâm đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Hiền Thái về hành vi mua bán lâm sản trái phép với số tiền 25 triệu đồng; đồng thời ra quyết định tịch thu, sung công quỹ số gỗ trắc này. Số gỗ được bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm vùng II bảo quản theo quy định.
Đến tháng 8-2013, Luyến đi công tác tại Đắk Lắk, “tình cờ” gặp bà Hiền và hướng dẫn Hiền làm đơn mua lại số gỗ trắc đã bị tịch thu. Tháng 9-2013, ông Luyến ký văn bản gửi Cục Kiểm lâm đề xuất cho Công ty TNHH Hiền Thái mua lại số gỗ trắc với giá gần 63 triệu đồng. Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền định giá số gỗ trắc này lên đến gần 200 triệu đồng. Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Luyến đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc xử lý số gỗ trắc tịch thu của Công ty Hiền Thái, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 triệu đồng, gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của Công ty Hiền Thái.
Sau “phi vụ” đó, Hiền đã nhiều lần nhờ ông Luyến giúp đỡ, can thiệp mỗi khi xe chở gỗ của Công ty Hiền Thái bị lực lượng chức năng kiểm tra ở Quảng Bình, Nghệ An… Sau nhiều lần được giúp đỡ, Hiền cũng đã “cảm ơn” ông Luyến bằng cách gửi tiền vào tài khoản của vợ ông Luyến với số tiền gần 530 triệu đồng.
Ngoài ông Luyến, cơ quan điều tra cũng đã làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Cảnh Thành và Nguyễn Tấn Dương (cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm TP. Buôn Ma Thuột): Trong quá trình thực thi công vụ, Thành và Dương đã làm thủ tục xác nhận lâm sản nhập xưởng chế biến cho Công ty Hiền Thái 4 bộ hồ sơ khống với tổng khối lượng 218,907 m3 gỗ; “phù phép” 17,745 m3 gỗ cẩm paorosa có nguồn gốc nhập khẩu từ Nam Phi thành gỗ cẩm lai nhóm IIA để Hiền hợp pháp hóa hồ sơ mua bán gỗ đã mua từ trước.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Ngọc Diệu Hiền 3 năm tù; Nguyễn Cảnh Thành 3 năm tù; Nguyễn Tấn Dương 1 năm tù. Riêng bị cáo Hoàng Văn Luyến bị tuyên án 1 năm 6 tháng 1 ngày tù nhưng cho hưởng án treo; do thời gian bắt tạm giam được 6 tháng (từ ngày 31-7-2015 đến ngày 29-1-2016) đã đủ nên ngay tại tòa bị cáo Luyến đã chấp hành án phạt xong (1 ngày tạm giam bằng 3 ngày tại ngoại). |
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc