Multimedia Đọc Báo in

Câu lạc bộ phụ nữ tham gia giữ bình yên cho buôn làng

10:20, 24/09/2017

Một trong những mô hình đang mang lại hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) tại buôn Pốk (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) là hoạt động của câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ dân tộc, tôn giáo an toàn về ANTT” buôn.

Buôn Pốk có gần 100% là đồng bào Êđê, từng được coi là một địa bàn phức tạp về ANTT của huyện Cư M’gar, một thời “nóng” lên về tình trạng tôn giáo, phụ nữ vượt biên trái phép, nạn trộm cắp tài sản ở nhà dân. Trước tình hình đó, để huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân trong phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT trên địa bàn, năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư M’gar đã thành lập CLB “Phụ nữ với an toàn về ANTT” tại buôn Pốk có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan đoàn thể ở địa phương theo dõi, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật; phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ANTT đến từng hội viên phụ nữ.

Chị H’Won Ayun, Chủ nhiệm CLB cho hay, lúc mới thành lập, CLB chỉ có 30 thành viên, nhiều chị em ngại tham gia vì sợ tốn thời gian và cho rằng không phải là việc của mình. Để duy trì hoạt động của CLB, chị cùng các chị em khác đến từng nhà, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; phổ biến quán triệt các văn bản liên quan về ANTT đến từng hội viên phụ nữ, nhất là trong quản lý, giáo dục con em mình không sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể gặp gỡ, vận động các gia đình có con em vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm để cùng quản lý, giáo dục. Ngoài việc duy trì sinh hoạt đều đặn mỗi quý 1 lần, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, CLB đã tổ chức được 20 buổi sinh hoạt chuyên đề và lồng ghép vào các buổi họp dân của buôn, xã để tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy, mại dâm; tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; tham gia quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng… gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, đã thu hút trên 1.000 lượt chị em tham gia.

Chị H Won Ayun, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (bìa phải) đang tuyên truyền về pháp luật  cho chị em trong buôn.
Chị H Won Ayun, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (bìa phải) đang tuyên truyền về pháp luật cho chị em trong buôn.

Từ khi đi vào hoạt động, CLB đã góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về ANTT tại địa phương như: vi phạm về an toàn giao thông, bạo lực gia đình, nạn trộm cắp vặt... Trước đây, cứ tầm chạng vạng là nhà nhà trong buôn đã đóng cửa, cổng kín vì sợ mất trộm nhưng mấy năm nay, vật dụng, nông phẩm thu về cứ để ngoài sân cũng không sợ bị mất cắp. Nhiều tranh chấp, hiềm khích cá nhân trong buôn cũng được CLB hòa giải thành công, cũng nhờ đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, tinh thần đoàn kết của bà con trong buôn được nâng lên thấy rõ. Thông qua hoạt động của CLB đã lôi cuốn đông đảo quần chúng cùng tham gia, từng bước tạo chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người dân về trật tự xã hội, giữ vững ổn định trên địa bàn không để xảy ra tình trạng cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, phụ nữ nghe lời kẻ xấu vượt biên, nhiều trường hợp từng có lỗi lầm nay đã thay đổi tích cực, tình trạng thanh niên tụ tập, uống rượu gây gổ cũng không còn…

Chị Hà Thị Hương, Chủ tịch Hôị Phụ nữ huyện Cư M’gar chia sẻ, từ khi CLB đi vào hoạt động, người dân đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm. Chị em hội viên phụ nữ không còn thờ ơ hoặc xem công tác này là của riêng lực lượng công an nữa mà tích cực tham gia, giáo dục con, em mình không vi phạm pháp luật. An ninh được đảm bảo, người dân có điều kiện tập trung làm ăn, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.