Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn tại các bến đò không phép

14:07, 12/09/2017

Huyện Lắk là địa phương có nhiều sông, hồ nên số lượng bến đò hoạt động chở khách, hàng hóa khá nhiều. Tuy nhiên, tất cả đều là tự phát nên đã bộc lộ nhiều bất cập và nguy cơ mất an toàn cao.

Theo thống kê, huyện Lắk có 5 bến đò ngang hoạt động thường xuyên gồm: buôn Jun, tổ dân phố 2 trên Hồ Lắk (thị trấn Liên Sơn); buôn M’Liêng trên sông Krông Ana (đoạn xã Đắk Liêng); thôn Kiến Xương trên sông Krông Ana (đoạn qua xã Buôn Triết) và buôn Liêng Krắk trên sông Krông Nô (đoạn qua xã Krông Nô). Hiện tại, có 7 hộ là cá nhân quản lý 10 phương tiện đường thủy hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa tại các bến đò này.

Cụ thể, bến buôn Jun do ông Trịnh Văn Hiến quản lý 2 thuyền làm bằng sắt lá, dài 11,5 mét, rộng 2,2 mét, có động cơ tổng công suất máy chính 24 mã lực, sức chở 36 người; hộ ông Y Nhoen Hđơk quản lý 2 phương tiện gồm 1 thuyền nhựa dài 8 mét, sức chở 12 người/lượt và 1 thuyền làm bằng sắt lá, dài 8 mét, sức chở 12 người. Cả 4 thuyền này được chủ thuyền trang bị 56 áo phao và 22 phao cứu đắm.

Tại bến đò tổ dân phố 2 do ông Võ Ngọc Trung Đan (Công ty TNHH đường mòn Cao Nguyên) quản lý 2 thuyền sắt lá, sức chở 12 người, được trang bị 30 áo phao cứu sinh và 8 phao cứu đắm. Bến đò buôn M’Liêng có 1 thuyền đang hoạt động do ông Nguyễn Công Thành, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) quản lý, tải trọng chở hàng hóa khoảng 10 tấn, được trang bị 5 áo phao cứu sinh và 5 phao cứu đắm.

Bến đò thôn Kiến Xương do ông Nguyễn Việt Hảo (trú xã Buôn Triết) quản lý 1 thuyền làm bằng sắt lá, tải trọng hàng hóa 7 tấn, thuyền được trang bị 15 áo phao cứu sinh và 2 phao cứu đắm. Còn bến buôn Liêng Krắk có 2 phương tiện thô sơ (không có động cơ), trọng tải toàn phần dưới 1 tấn, có sức chở dưới 5 người do 2 hộ dân trú tại huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) quản lý.

Khách đi đò tại bến đò buôn M'Liêng (xã Đắk Liêng).
Khách đi đò tại bến đò buôn M'Liêng (xã Đắk Liêng).

Theo quan sát thực tế, chỉ có 2 bến đò ngang tại thị trấn Liên Sơn phục vụ du lịch vòng quanh Hồ Lắk là khách đều sử dụng áo phao khi lên thuyền, còn tại các bến đò: Kiến Xương, M’Liêng và Liêng Krắk hầu như khách không mặc áo phao, chủ thuyền cũng không nhắc nhở. Tại bến đò buôn M’Liêng, trong thời gian chừng 10 phút đã có 3 lượt khách được chủ thuyền chở qua sông mà không ai mặc áo phao, trong khi thuyền có trang bị loại áo này. Anh Đoàn Anh Dũng, thị trấn Liên Sơn cho hay, anh có bà con bên huyện Krông Ana, mỗi lần có việc cần anh đều đi đò ngang cho tiện. Tuy nhiên khi được hỏi, trong các lần đi đò có khi nào anh sử dụng áo phao không thì anh lắc đầu “Lái đò biết bơi, lỡ thuyền chìm họ cứu mình, lo gì”(!). Tương tự, anh Ma Văn Giang, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) cũng chia sẻ, mỗi lần có khách hoặc gia đình có việc, anh thường đi đò sang chợ Liên Sơn mua thực phẩm, mất chừng 2 phút, giá cước cả người lẫn xe máy 10 ngàn đồng/lượt. Giống như nhiều khách đi đò khác, anh chưa lần nào anh mặc áo phao dù đò được trang bị áo phao.

Trước thực trạng trên, từ ngày 1 đến 10-8-2017, Ban An toàn giao thông huyện Lắk phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các bến đò ngang, qua đó cho thấy, hầu hết đều có trang bị áo phao cứu sinh, cứu đắm, song tất cả các phương tiện đều không có giấy đăng kiểm, đăng ký, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Chưa kể, người lái thuyền đò cũng không có chứng chỉ chuyên môn, không có hồ sơ thiết kế phương tiện. Được biết, ở bến đò thôn Kiến Xương và buôn Jun, vào năm 2014, UBND huyện đã kiểm tra và lập biên bản đối với các chủ phương tiện, yêu cầu hoàn thiện các thủ tục về giấy đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn… nhưng đến nay, cả 2 bến đò này đều không có bất cứ loại giấy tờ nào theo quy định.

Ông Nguyễn Anh Tú, Phó trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông huyện Lắk cho biết, để bảo đảm an toàn trong quá trình chở khách tham quan Hồ Lắk và các bến đò trên địa bàn, Ban đã kiến nghị với UBND huyện ban hành quyết định đình chỉ hoạt động các bến đò: buôn Jun, tổ dân phố 2 và bến đò Kiến Xương theo quy định tại Điểm C, Khoản 2, Điều 34, Nghị định 132/2015/NĐ-CP, ngày 25-12-2015 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thủy nội địa. Đồng thời kiến nghị Sở Giao thông Vận tải có kế hoạch tổ chức mở lớp và cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyên môn cho các chủ phương tiện có nhu cầu.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.