Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng ngừa cháy, nổ

08:24, 04/10/2017

Được giao nhiệm vụ quản lý 3 địa bàn rộng là thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Búk và Krông Năng, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) số 2 đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nhằm chủ động phòng ngừa cháy nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra.

Một trong những biện pháp trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC là làm tốt công tác tham mưu, tạo sự chuyển biến của các cấp, ngành, địa phương trong lĩnh vực này. Vì vậy, ngay sau khi thành lập (tháng 9-2014), song song với việc ổn định cơ sở vật chất, tổ chức biên chế, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã chủ động tham mưu cho UBND huyện Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC các cấp, đồng thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn. Trong đó có Kế hoạch số 21 về tăng cường công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ ở khu dân cư để tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến quy định trách nhiệm PCCC của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Qua đó, lãnh đạo các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm, đầu tư kinh phí trang bị, mua sắm phương tiện phục vụ chữa cháy. Qua kiểm tra, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống bể chứa nước, có niêm yết đầy đủ tiêu lệnh phòng cháy và phương tiện chữa cháy theo quy định.

Chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 tập luyện kỹ thuật  rải lăng vòi.
Chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2 tập luyện kỹ thuật rải lăng vòi.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, trực tiếp tham gia PCCC, để nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, đơn vị đặc biệt chú trọng đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ; hằng năm, tổ chức huấn luyện cho 100% quân số theo đúng nội dung, chương trình; xây dựng, đưa ra những tình huống giả định cháy nổ sát thực tế đối với từng khu dân cư, chợ, trường học để tổ chức diễn tập. Bên cạnh đó đơn vị thường xuyên tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện phục vụ chữa cháy, duy trì chế độ trực nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ quân số, sẵn sàng cơ động lên đường tham gia ứng cứu các vụ hỏa hoạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Đơn cử như các vụ cháy xe tải, xe giường nằm và lò than trên địa bàn huyện Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ, lực lượng cảnh sát PCCC số 2 đã có mặt kịp thời, khống chế lửa, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, chết người…

Bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC, Cảnh sát PCCC số 2 quan tâm đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC qua việc tập trung xây dựng, củng cố lực lượng PCCC cơ sở.  Hiện trên địa bàn 2 huyện Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ thành lập được 413 đội PCCC với gần 1.600 đội viên; tất cả các trường học, cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn đều có lực lượng phòng cháy cơ sở. Phòng phối hợp với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và đào tạo, huấn luyện PCCC bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chữa cháy, trang bị các kiến thức về PCCC cho lực lượng này. Qua kiểm tra, 100% đội viên đội PCCC cơ sở sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy, có khả năng xử lý tốt tình huống hỏa hoạn khi mới phát sinh. Ngoài ra, để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về PCCC của người dân, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh..., đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm, từ đầu năm đến nay đã tiến hành kiểm tra 515 cơ sở. Riêng đối với những cơ sở kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, như: xăng dầu, gas, chợ trung tâm… Phòng đều hướng dẫn thành lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC cũng như khảo sát, xây dựng các phương án chữa cháy phù hợp và tổ chức thực tập để lực lượng chữa cháy cơ sở không rơi vào thế bị động khi có tình huống cháy nổ xảy ra.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.