Multimedia Đọc Báo in

"Nóng" nạn phá rừng làm rẫy ở Ea Súp

10:35, 05/02/2018

Là địa phương có diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn, năm qua huyện Ea Súp đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ để giảm thiểu những nguy cơ ảnh hưởng đến rừng. Tuy nhiên, do nhu cầu về đất sản xuất ngày càng tăng đã dẫn đến nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy diễn biến phức tạp.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, trong năm 2017, các lực lượng chức năng của địa phương đã quyết liệt vào cuộc để lập lại an ninh rừng. Trong đó, tập trung rà soát và “xóa sổ” tất cả những lò than hoạt động trái phép trên địa bàn. “Xóa bỏ được các lò than này góp phần không nhỏ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng bởi mỗi lò than cần khoảng 20 m3 củi cho một lần đốt, với 110 lò than nhu cầu củi sẽ rất lớn. Trong khi củi dùng để đốt than chủ yếu có nguồn gốc từ gỗ rừng, nếu không kịp thời xóa bỏ các lò than thì rừng bị xâm hại là điều không thể tránh khỏi”, ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp lý giải. Cùng với đó, UBND huyện cũng đã thành lập 2 đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý các điểm nóng về vi phạm lâm luật; đồng thời thành lập thêm 2 chốt chặn ở những con đường huyết mạch để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép. Với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, trong năm 2017 tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Số vụ vi phạm lâm luật được phát hiện, xử lý là 150 vụ, giảm 54 vụ so với năm 2016.

Một xe  vận chuyển gỗ trái phép bị Hạt  Kiểm lâm huyện  Ea Súp thu giữ.
Một xe vận chuyển gỗ trái phép bị Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp thu giữ.

Tuy nhiên, ở huyện Ea Súp, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm rẫy vẫn rất “nóng”. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, trong năm 2017, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trên địa bàn huyện là 250,3 ha; trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép thuộc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý 131,4 ha, UBND xã Cư M’lan 60 ha, UBND xã Ea Bung 51,8 ha, UBND xã Cư Kbang 3 ha, UBND xã Ya Lơi 3,9 ha. Không chỉ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy, tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép giữa người dân với người dân, giữa người dân với chủ dự án cũng diễn ra phức tạp, đã có án mạng xảy ra vì tranh chấp đất. Cụ thể, ngày 16-12-2017, trên địa bàn xã Ea Bung có hai nhóm người dân cùng tranh chấp một khu đất lâm nghiệp thuộc sự quản lý của UBND xã Ea Bung. Sau đó, hai nhóm người này đã dùng hung khí lao vào hỗn chiến, hậu quả khiến một người chết, nhiều người bị thương.

Khu đất tranh chấp dẫn đến hỗn chiến làm 1 người chết và nhiều người bị thương ở xã Ea Bung.
Khu đất tranh chấp dẫn đến hỗn chiến làm 1 người chết và nhiều người bị thương ở xã Ea Bung.

 

Huyện Ea Súp có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 146 nghìn ha, trong đó có 86,6 nghìn ha rừng, hơn 59,5 nghìn ha đất lâm nghiệp. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,1%.

Ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn diễn biến phức tạp là do diện tích rừng và đất lâm nghiệp của địa phương còn lớn, công tác quản lý còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại các dự án giao đất cho doanh nghiệp thực hiện các dự án nông lâm nghiệp. Các dự án hiện nay phần lớn hoạt động không có hiệu quả. Chủ dự án chưa chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, không có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, dẫn đến tình trạng khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm đất. Khi bị phá rừng, lấn chiếm đất, nhiều chủ dự án không báo cho chính quyền địa phương dẫn đến việc xử lý gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, diện tích rừng do các UBND xã quản lý không có lực lượng giữ rừng chuyên biệt mà chỉ là kiêm nhiệm nên rất khó bảo vệ được những cánh rừng trước sự xâm hại… Trong khi đó, những áp lực lên rừng, đất lâm nghiệp do nhu cầu đất sản xuất tăng cao, trong khi dân di cư tự do đến địa phương hằng năm vẫn tiếp tục tăng lên, chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có 206 hộ dân, với 1.180 nhân khẩu; đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất; giá đất tăng cao khi địa phương có các dự án đầu tư… Có thể thấy, việc dung hòa giữa quản lý, bảo vệ rừng bền vững và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người dân đang là “bài toán” khó đối với địa phương. 

Cũng theo ông Dự, ngoài những nỗ lực của địa phương, thì rất cần thêm sự hỗ trợ của cấp trên để tăng nguồn lực đầu tư, thay đổi cơ chế chính sách phù hợp trong quản lý, bảo vệ rừng với đặc thù của địa phương.

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.