Tháo gỡ bất cập trong xử lý hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ
Vấn nạn hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn vẫn tiếp diễn bất chấp nỗ lực kiểm soát của cơ quan chức năng và bản thân doanh nghiệp (DN) có hàng hóa bị làm giả.
Chỉ 4 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) đã xử lý 22 vụ vi phạm về hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tụê, phạt hành chính trên 187 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 110 triệu đồng. Theo cơ quan này, hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ lưu thông trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở nhóm các mặt hàng như mũ bảo hiểm, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, máy tính, đồng hồ, ruợu… Tình trạng DN, cá nhân vi phạm pháp luật về sỡ hữu trí tuệ diễn ra phổ biến, từ vi phạm quyền tác giả và các quyền liên quan; vi phạm sở hữu công nghiệp, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, vi phạm các quy định về nhãn hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chiếm phần lớn.
Là đơn vị thường xuyên bị đối tượng làm hàng giả “nhắm” tới, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn (TP. Hồ Chí Minh) cho hay, DN như muốn điêu đứng vì hàng giả. Thậm chí, có những lúc DN làm ăn chân chính lại khó cạnh tranh được với gian thương sản xuất hàng giả về giá. Nón Sơn giả bán ra nằm ở mức 250.000-300.000 đồng/chiếc (hàng thật có giá 350.000-400.000 đồng/chiếc), về kiểu dáng, màu sắc y hệt hàng chính hãng, khiến hàng chính hãng rất khó cạnh tranh.
Kiểm tra, phát hiện các vi phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với mũ bảo hiểm Nón Sơn. |
Tương tự, ông Nguyễn Viết Vinh, Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Cổ phần rượu bia nước giải khát Arôma phản ánh, sản xuất, kinh doanh trong quá trình kinh tế hội nhập, đơn vị rất coi trọng việc đầu tư cho công tác đăng ký bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, sản phẩm ruợu của công ty bị làm giả và bày bán khá phổ biến trên thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của DN. Nhiều năm nay, DN đã có những động thái tích cực để bảo vệ cho sản phẩm của mình nhưng vẫn không xuể. Khi có một sản phẩm mới nào được tung ra thị trường thì ngay lập tức bị làm giả vô cùng tinh vi, khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.
Dù sai phạm ở lĩnh vực này vẫn còn nhức nhối, Chi cục QLTT thừa nhận, việc phát hiện, xử lý vi phạm còn những hạn chế nhất định. Bởi để xác định hàng giả, kém chất lượng hay không thì phải có nhiều yếu tố, trong đó có kiểm định, đối chứng và buộc phải có giám định kết luận hàng giả. Việc này buộc phải xác minh bằng chuyên gia từ hãng, đòi hỏi phải có thời gian, với sự tham gia của nhiều tổ chức và bản thân DN có hàng bị xâm phạm, nếu không nhận được sự hưởng ứng và phối hợp kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến công tác xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó, nhiều quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tụê, hàng giả còn chồng chéo, trùng lặp trong nhiều văn bản, khiến cơ quan thực thi lúng túng trong việc xử lý hành vi vi phạm. Chẳng hạn, một số văn bản hiện hành chưa quy định rõ ràng về khái niệm hàng giả, có những điểm trùng với hàng xâm phạm sở hữu công nghiệp; hay cùng một hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán hàng giả, nhái có thể được giải thích và xử lý khác nhau bởi các văn bản, Nghị định khác nhau, từ đó gây khó khăn trong quá trình xử lý của lực lượng chức năng.
Tịch thu số hàng hóa xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Thực tế cho thấy, hàng giả, nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đã được các cơ quan chức năng của tỉnh mở nhiều đợt cao điểm ra quân “dẹp loạn” nhưng chỉ được một thời gian sau thì “đâu lại vào đấy”. Vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn vì mức xử phạt chưa đủ răn đe trong khi lợi nhuận sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ quá lớn. Mức phạt hành chính cao nhất đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 500 triệu đồng. Do đó, có đối tượng sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm với mức độ lớn.
Được biết, để tăng cường hiệu quả xử lý hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, Chi cục QLTT tỉnh, đơn vị chủ công thực thi nhiệm vụ chống hàng giả, trong khi chờ đợi cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý vi phạm ở lĩnh vực này, đơn vị đã và đang chú trọng thực hiện 2 nhóm nội dung: kiểm tra thị trường, xử lý các vụ vi phạm và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức đối với các cơ sở kinh doanh trong hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, Đoàn liên ngành 389 của tỉnh cũng thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến của thị trường; làm tốt công tác dự báo; đẩy mạnh phối hợp kiểm tra, kiểm soát giữa các tỉnh lân cận, chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Còn theo ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, trong khi các cơ quan nâng cao trách nhiệm, kiên quyết kiểm tra, xử lý, bản thân DN cũng phải đồng hành, hợp tác với cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý thì mới có thể giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc