Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh

08:52, 22/07/2018

Trong những năm qua, công tác xã hội hóa hoạt động công chứng đã được Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm để tăng cường công tác quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 18 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 3 phòng công chứng và 15 văn phòng công chứng (tăng 5 lần so với thời điểm trước khi Luật Công chứng năm 2006 có hiệu lực); có 35 công chứng viên (tăng 29 người). Số việc công chứng và số phí công chứng thu được tăng nhanh (theo số liệu thống kê, nếu giai đoạn 2007-2012, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã công chứng được 102.498 việc, với doanh thu trên 27 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng; thì chỉ tính trong 2 năm 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã công chứng được 276.887 việc, với doanh thu trên 54 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 9,5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc và bất cập. Việc triển khai công tác xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh tuy đã được quy hoạch và có lộ trình triển khai cụ thể, nhưng trong quá trình triển khai cho phép thành lập các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn về nguồn công chứng viên; nhu cầu của công chứng viên hiện nay là muốn thành lập văn phòng tại TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ và các huyện có điều kiện kinh tế phát triển trong khi các đơn vị này đã hết chỉ tiêu thành lập theo quy hoạch và lộ trình, còn ở các huyện có điều kiện kinh tế khó khăn kém phát triển thì không thành lập được văn phòng công chứng (như huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Lắk).

Người dân đến công chứng giấy tờ tại UBND xã Yang Tao (huyện Lắk).
Người dân đến công chứng giấy tờ tại UBND xã Yang Tao (huyện Lắk).

Bên cạnh đó, hoạt động của một số văn phòng công chứng còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự ổn định, bền vững, trình độ quản lý còn bất cập (rơi vào trường hợp một số công chứng viên được miễn đào tạo, miễn tập sự hành nghề công chứng theo Luật Công chứng năm 2006; có văn phòng công chứng sử dụng công chứng viên hợp danh ở độ tuổi hưu trí cư trú ngoại tỉnh đến hành nghề trên địa bàn tỉnh nhưng chỉ là hình thức để đủ số thành viên hợp danh thành lập văn phòng, thời gian làm việc thực tế tại trụ sở rất ít, thường chỉ ký chứng thực hoặc một số hợp đồng đơn giản); chưa có sự liên kết trong hành nghề, có sự cạnh tranh không lành mạnh (trích lại phần trăm thù lao công chứng, phí công chứng cho người yêu cầu công chứng để thu hút khách hàng); có hiện tượng không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục công chứng… gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và sự phát triển lành mạnh của hoạt động công chứng.

Xã hội hóa hoạt động công chứng trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, giảm áp lực cho UBND cấp huyện, cấp xã; tăng nguồn thu ngân sách địa phương; tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên chưa được thực hiện, dẫn đến một bộ phận công chứng viên đang hành nghề không cập nhật được kiến thức pháp luật mới, chưa theo kịp yêu cầu công việc. Một bộ phận công chứng viên còn yếu về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến những sai sót trong hoạt động công chứng. Việc hướng dẫn địa phương trong việc thi hành pháp luật công chứng có lúc chưa kịp thời, dẫn đến lúng túng cho địa phương khi thực hiện; như: quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng còn có điểm phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu, các quy định về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực công chứng quy định tại còn thiếu, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa nghiêm. Hơn nữa, nhận thức về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của một bộ phận cơ quan, cán bộ quản lý nhà nước về công chứng, của người dân còn chưa đầy đủ. Từ đó dẫn đến việc phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động công chứng còn khó khăn, như: một số văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gây khó khăn trong đăng ký hợp đồng đã công chứng, cung cấp thông tin địa chính cho văn phòng công chứng; UBND cấp xã không phối hợp với văn phòng công chứng trong việc niêm yết văn bản liên quan đến việc công chứng các giao dịch về thừa kế.

Thiết nghĩ, để khắc phục những tồn hại, hạn chế và vướng mắc nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, cần cụ thể hóa chính sách ưu đãi đối với văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và pháp luật liên quan. Cùng với đó, cần quy định cụ thể thời gian làm việc thực tế, thường xuyên của công chứng viên hợp danh (hằng tháng, hằng quý hoặc hằng năm) để bảo đảm thực chất hoạt động của các công chứng viên của văn phòng công chứng, tránh tình trạng “ghi danh” hình thức cho đủ số lượng công chứng viên theo quy định để thành lập văn phòng công chứng, mà không thực hiện nhiệm vụ của công chứng viên.

Ngoài ra, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật công chứng theo hướng quy định chi tiết, cụ thể, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm; đặc biệt, cần quy định cụ thể các hình phạt bổ sung về đình chỉ hành nghề của công chứng viên; đình chỉ hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; thu hồi giấy phép hoạt động; xác định rõ thẩm quyền xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.  Quy định cụ thể về công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng, tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng.

Nguyễn Tuấn Quang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.