Multimedia Đọc Báo in

Tràn lan vi phạm hành lang an toàn đường bộ

09:20, 27/12/2018

Hiện nay, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ diễn ra phổ biến ở hầu khắp các tuyến đường, trong đó tập trung nhiều trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh.

Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đường bộ, có chức năng mở rộng tầm nhìn, bảo đảm an toàn giao thông. Theo quy định của pháp luật, trong phạm vi đất dành cho đường bộ, tổ chức, cá nhân không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng lấn chiếm, xây dựng các công trình trái phép trên hành lang đường bộ diễn ra khá phổ biến.

Vi phạm tràn lan

Đắk Lắk hiện có 7 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài hơn 760 km. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, trên các tuyến quốc lộ do đơn vị quản lý gồm: quốc lộ 27, 29 và 14C có đến hàng nghìn vị trí lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. Cụ thể, trên các tuyến này, tình trạng xây dựng nhà ở kiên cố lấn chiếm hành lang đường bộ với diện tích hơn 150.480 m2; mái lợp gần 40.000 m2; ki - ốt hơn 23.700 m2; tường rào hơn 86.000 m2. Ngoài ra, trên các tuyến đường mới xây dựng, các vị trí lấn chiếm cũng mọc "như nấm sau mưa".

Một vị trí xây nhà kiên cố nằm trên phần đất hành lang đường bộ trên tỉnh lộ 1 đoạn qua huyện Buôn Đôn.
Một vị trí xây nhà kiên cố nằm trên phần đất hành lang đường bộ trên tỉnh lộ 1 đoạn qua huyện Buôn Đôn.
 
"Công tác xử lý các vị trí lấn chiếm hành lang đường bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các điểm vi phạm do lịch sử để lại. Chưa kể, việc bố trí kinh phí hằng năm phục vụ công tác kiểm đếm, xử lý vi phạm, cũng như kinh phí đền bù giải tỏa không đáp ứng yêu cầu...".
 
Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Tương tự, trên các tuyến tỉnh lộ, hành vi lấn chiếm hành lang đường bộ diễn ra phổ biến. Chẳng hạn trên tỉnh lộ 2 đoạn qua huyện Krông Ana, qua kiểm đếm có hơn 2.000 vị trí vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ. Cụ thể, đoạn qua xã Ea Na 507 vị trí; xã Ea Bông 467 vị trí; xã Bình Hòa 415 vị trí; thị trấn Buôn Trấp 320 vị trí; xã Quảng Điền 260 vị trí và xã Đray Sáp 71 vị trí. Trong đó, nhiều vị trí trên tuyến này đã được người dân xây nhà kiên cố rộng từ 5 – 7 m. Còn tại tỉnh lộ 3 đoạn qua huyện Krông Năng và huyện Ea Kar, qua kiểm đếm có hơn 1.700 vị trí vi phạm. Trong đó, các vi phạm chủ yếu là xây tường rào, lợp mái tôn, ki - ốt bán hàng, một số vị trí người dân cũng đã xây dựng nhà kiên cố, diện tích dao động từ 5 – 15 m.

Khó xử lý do... "lịch sử"

Theo ông Tô Quang Dịnh, Phó trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải), trong hàng nghìn vị trí lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên có nhiều vị trí là lo... "lịch sử để lại". Có nghĩa là người dân xây dựng các công trình từ trước năm 1982 (thời điểm Nhà nước bắt đầu có quy định về quản lý hành lang đường bộ theo Nghị định số 203/HĐBT, ngày 21-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ đường bộ). Một nguyên nhân nữa là trong thời gian qua, quá trình phối hợp giữa cơ quan quản lý đường bộ và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về quản lý, bảo vệ hành lang đường bộ trên địa bàn tỉnh thiếu đồng bộ, chưa sâu sát. Thậm chí, một số vị trí đã được chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở ngay trên phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương đo đạc vị trí lấn chiếm hành lang đường bộ trên tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn).
Sở Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền địa phương đo đạc vị trí lấn chiếm hành lang đường bộ trên tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn).

Ngoài ra, ông Dịnh cũng cho rằng: Công tác quy hoạch của các ngành chức năng và địa phương còn nhiều bất cập, chồng chéo, trong đó phải kể đến quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đất đai... Đơn cử như việc quy hoạch các điểm nông thôn mới trên Quốc lộ 27, chính quyền địa phương căn cứ theo Nghị định 186/2004/NĐ-CP, ngày 5-1-2004, nhưng khi có Nghị định 11/2010/NĐ-CP, ngày 24-2-2010 thay thế thì các quy hoạch này không điều chỉnh lại, dẫn tới nhiều trường hợp xây dựng trái phép trên hành lang đường bộ.

Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, sau khi thống kê các điểm vi phạm, sở đã tổ chức họp và có văn bản đề nghị chính quyền địa phương cấp huyện và xã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm biết và thực hiện tháo dỡ các công trình vi phạm. Đối với các vị trí vi phạm che khuất tầm nhìn lớn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì sở sẽ phối hợp với địa phương tổ chức giải tỏa. Sở cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra hiện trạng, tuyệt đối không để phát sinh các điểm vi phạm mới, trường hợp không chấp hành thì UBND cấp huyện có kế hoạch tổ chức cưỡng chế, giải tỏa theo quy định.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc