Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm giải quyết chuyện... cái rào chắn

18:58, 23/02/2019

Vừa qua tại thôn Ea Bring (xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana), một con đường bê tông đã được xây dựng. Chuyện sẽ không có gì phức tạp nếu trước cổng của một hộ gia đình ở cuối đường lại xuất hiện một cái rào chắn, ngăn lối đi lên tuyến đường này.

Chuyện là năm 2018, người dân thôn Ea Bring tiến hành bê tông hóa một tuyến đường đất trong thôn, với chiều dài 374 m, rộng 2,5 m. Tuyến đường này được Nhà nước hỗ trợ xi măng, còn người dân đóng góp cát, đá, ngày công xây dựng. Sau khi có chủ trương, 22 hộ dân thuộc tuyến đường đó đã họp bàn, thỏa thuận và đi đến thống nhất đóng góp tiền làm đường theo diện tích đất của mỗi hộ. Theo đó, mỗi hộ sẽ đóng 600.000 đồng/1 sào, ngoài ra đối với 5 gia đình có hộ khẩu thuộc tuyến đường sẽ đóng thêm mỗi hộ 1 triệu đồng. Khi tham gia cuộc họp, các hộ dân đều nhất trí với cách làm này, trong đó có bà Nguyễn Thị Hải (vợ ông Hà Văn Chung) cũng đồng ý và ký tên vào biên bản họp.

Được biết, gia đình ông Hà Văn Chung có 2,2 ha đất, nên ngoài 1 triệu tiền gốc của gia đình có hộ khẩu trên đó, ông Chung phải đóng thêm số tiền chia theo đầu sào là 13,2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi cuộc họp diễn ra, ông Chung đã làm đơn lên thôn, xã xin miễn giảm 50% số tiền đóng góp với lý do ông là Cựu thanh niên xung phong, thuộc diện gia đình chính sách, hơn nữa hai vợ chồng cũng đều đã già… Tuy vậy, cụm dân cư thuộc tuyến đường không đồng ý với quan điểm đó, mà chỉ đồng ý sẽ chỉ giảm cho ông Chung số tiền là 4,2 triệu đồng, tức gia đình ông Chung sẽ phải đóng tổng cộng 10 triệu đồng, còn số tiền 4,2 triệu đồng các hộ sẽ chia ra để đóng góp.

Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, rào chắn ngăn lối vào nhà ông  Hà văn Chung đã được dỡ bỏ một phần.
Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, rào chắn ngăn lối vào nhà ông Hà văn Chung đã được dỡ bỏ một phần.

Tháng 10-2018, con đường hoàn thành và được đưa vào sử dụng, nhưng lúc đó gia đình ông Chung mới chỉ góp được 1 triệu đồng do có hộ khẩu trên tuyến đường và vẫn kiên quyết chỉ đóng 50% số tiền tính theo diện tích đất. Do đó cụm dân cư trên tuyến đường đó đã làm rào chắn, chắn ngang con đường dẫn vào nhà ông Chung (nằm ở cuối tuyến đường), chỉ trừ một lối nhỏ cho xe máy đi qua. Thế nhưng, cái rào chắn cứ dựng lên rồi lại “bỗng nhiên” bị tháo xuống. Đến sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, rào chắn tiếp tục bị gỡ bỏ một lần nữa. Theo Trưởng thôn Ea Bring Ngô Tất Thắng, đến nay cụm dân cư trên tuyến đường đó vẫn chưa đồng ý gỡ bỏ rào chắn và vẫn sẽ yêu cầu ông Chung đóng nốt số tiền 2 triệu đồng còn lại (đến cuối tháng 12-2018, ông Hà Văn Chung đã đóng thêm 7 triệu đồng, tổng cộng gia đình ông đã đóng được 8 triệu đồng).

Ông Đào Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Băng Adrênh cho biết, khi sự việc trên xảy ra, phía Đảng ủy, Chính quyền, cùng các cơ quan đoàn thể của xã đã nhiều lần xuống vận động ông Hà Văn Chung đóng tiền, đồng thời vận động cụm dân cư trên tuyến đường đó của thôn Ea Bring dỡ bỏ rào chắn. Tuy nhiên, các hộ dân đã phản ứng gay gắt và mâu thuẫn giữa các hộ đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Thiết nghĩ, nếu để tình trạng trên tiếp tục kéo dài sẽ tạo nên những xích mích âm ỉ, gây mất đoàn kết giữa các hộ dân. Do vậy, Chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp hòa giải sao cho thấu tình đạt lý, đồng thời vào cuộc quyết liệt hơn nữa để nhanh chóng ổn định khu dân cư, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Huyền Diệu – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.