Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với "thầy lang" dạo xem tướng bắt bệnh bán thuốc

10:38, 17/02/2019

Thời gian gần đây, ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp… xuất hiện một nhóm người từ Bình Thuận đến, tự xưng là “thầy lang” hành nghề bán thuốc Nam dạo. Gặp ai, nhóm người này cũng xem tướng, nắm tay bắt mạch… phán đủ thứ bệnh rồi “dụ” người dân mua thuốc Nam gia truyền có khả năng chữa bách bệnh.

Trong chuyến công tác mới đây về buôn Yang Lành (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), khi vào nhà chị H’ Huôm Niê để hỏi thăm đường thì được nghe chị kể, vừa mới có hai người phụ nữ bỗng dưng vào nhà, họ nhìn mặt chị và phán "tướng này năm nay làm ăn xui lắm". Tiếp đến họ nắm tay bắt mạch bảo chị bị đau lưng, đau đầu, đau dạ dày… xong họ "làm phép" vào tay chị cầu bề trên ban sức khỏe. Cuối cùng họ lấy trong một chiếc túi đen ra 5 gói thuốc Nam, giới thiệu là thuốc “gia truyền” dùng để xông nhà sẽ hết bệnh ngay. Mỗi gói giá 35 nghìn đồng, 5 gói là 175 nghìn đồng. Chị than không có tiền, hai người phụ nữ tiếp tục “ru ngủ” rằng chỉ cần xông nhà vừa hết bệnh, làm ăn may mắn… Nói mãi chị vẫn không mua, họ đành để lại số điện thoại dặn nếu cần thì gọi điện sẽ mang thuốc đến ngay.

Một “thầy lang” hành nghề xem tướng bắt bệnh bán thuốc.
Một “thầy lang” hành nghề xem tướng bắt bệnh bán thuốc.

Chúng tôi chạy xe đến cuối buôn thì gặp hai người phụ nữ trên đang tiếp cận cụ bà bóc vỏ me. Họ hỏi gì, cụ cũng không trả lời. Thấy chúng tôi ghé vào, họ mừng ra mặt, đon đả bắt chuyện. Điệp khúc lặp lại, hai người phụ nữ này lại hỏi năm sinh, tuổi chồng, con… rồi bảo gia đình gặp "vận đen". Coi mặt, xem chỉ tay, họ cũng phán tôi bị đủ thứ bệnh như đau vai gáy, đau đầu, viêm xoang, đau khớp… Tôi tỏ vẻ lo lắng bà liền trấn an: “Yên tâm, cháu gặp được bà là có phước lắm đấy. Bà có bài thuốc hay lắm, chỉ cần mang về xông thì mọi bệnh tật, vận xui đều tan biến. Đau lưng, đau khớp còn nhẹ, đến bệnh gan, thận… bà còn trị được”. Thấy tôi đắn đo, bà tiếp tục xoa dịu bằng cách đưa ra tờ Giấy chứng nhận hành nghề đông y do tỉnh Bình Thuận cấp nhưng đã hết giá trị sử dụng từ năm 2016 rồi khỏa lấp “ít bữa người ta lại cấp giấy mới”. Bà tiếp tục chèo kéo tôi mua 7 thang thuốc nam. Tôi từ chối khéo bà liền tức giận bảo bề trên sẽ quở phạt… Chúng tôi chấp nhận mua 1 thang nhưng bà dúi vào tay bảo dùng 2 thang mới linh. Bà cho hay, mới bán ở huyện Ea Súp lên. Mỗi nơi bà ở lại 5-7 ngày để bán thuốc. Có nhiều người dân mua, mỗi ngày bà bán cả bao to. Bán được thuốc, hai người phụ nữ nhanh chóng rời đi tìm “con mồi” khác.

“Thầy lang” dạo thường đi từ hai người trở lên.
“Thầy lang” dạo thường đi từ hai người trở lên.

Theo tìm hiểu, những người hành nghề xem tướng bắt bệnh bán thuốc dạo thường đi theo nhóm, mỗi nhóm từ 2-3 người, mỗi người đeo một túi xách lớn, bên trong đựng 40-50 thang thuốc. Những người này đều nhận mình là “thầy lang” chuyên bán thuốc gia truyền chữa đủ thứ bệnh làm từ các cây rừng song hỏi tên các vị thuốc thì họ lại làm lơ không nói. Gặp ai, nhóm người này cũng bắt chuyện rồi xem tướng, phán có bệnh hoặc gặp vận đen và cần mua thuốc để trị bệnh, giải vận. Ai bị nhóm người này “kéo lại” hầu như phải mua thuốc, hiếm ai thoát khỏi “vòng vây”. Bởi nếu không mua thuốc, nhóm “thầy lang” dạo “dọa” sẽ rước xui xẻo vào người.

Việc xem tướng bắt bệnh rồi chỉ cần mua thuốc về xông là điều hoàn toàn vô lý. Nhiều người cũng biết, nhưng khó thoát khỏi việc chèo kéo của các “thầy lang” dạo này. Do vậy, người dân cần cảnh giác những nhóm người này để không bị “tiền mất, tật mang”. Cơ quan chức năng địa phương cũng cần kiểm tra giấy phép hành nghề của các "thầy lang" này.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.