Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn hủy hoại cây trồng ở Cư M'gar

11:06, 22/02/2019

Nạn hủy hoại cây trồng thời gian gần đây xảy ra liên tục trên địa bàn huyện Cư M’gar và đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này không chỉ làm thiệt hại nặng nề về kinh tế mà còn gây hoang mang cho người dân địa phương.

Thời điểm những ngày cuối năm 2018, nạn hủy hoại cây trồng xảy ra liên tục trên địa bàn huyện. Các vụ việc xảy ra chỉ trong thời gian ngắn, kẻ gian ra tay rất nhanh chóng, gây nhiều thiệt hại cho chủ vườn. Theo Công an huyện Cư M’gar, tính từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12-2018, trên địa bàn đã xảy ra 4 vụ chặt phá, hủy hoại cây trồng, chủ yếu là cây cà phê và hồ tiêu. Địa điểm xảy ra những vụ hủy hoại cây trồng là các khu vực rẫy xa dân cư sinh sống, ít người qua lại, đối tượng thường chọn thời điểm ban đêm để ra tay. Địa bàn xảy ra các vụ hủy hoại cây trồng tập trung chủ yếu ở các xã Ea Kiết, Quảng Hiệp, Cư M’gar, Ea Kpam, Quảng Tiến…

Vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Cường (thôn 6, xã Cư M'gar) bỗng dưng rụng, khô lá, nghi do bị
Vườn tiêu của ông Nguyễn Văn Cường (thôn 6, xã Cư M'gar) bỗng dưng rụng, khô lá, nghi do bị "đầu độc".

Liên tiếp trong 2 ngày (ngày 30-10 và 1-11-2018), trên địa bàn thôn 6, xã Cư M’gar đã xảy ra 2 vụ chặt phá cây trồng của người dân. Ngày 30-10, khi ra thăm vườn, ông Phan Văn Tám tá hỏa khi phát hiện 111 trụ tiêu trồng xen trong vườn cà phê của gia đình bị chặt ngang thân và đứt gốc. Gia đình ông đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư vườn cây từ năm 2013. Bao nhiêu năm cất công chăm sóc, nay tài sản của gia đình bỗng chốc bị tiêu tan. Chỉ sau đó một ngày, ông Nguyễn Văn Cường (SN 1964, trú cùng thôn) cũng đến trình báo cơ quan chức năng về việc hàng trăm trụ tiêu của gia đình ông nghi bị “đầu độc”. Theo ông Cường, gia đình ông có 1 ha đất và trồng được 1.500 trụ tiêu (hiện đang là năm thứ 6), cho thu hoạch mỗi năm hơn 3 tấn tiêu. Tuy nhiên, vào ngày 1-11, ông ra vườn thì thấy nhiều trụ tiêu bị rụng trái, lá trắng gốc. Sau khi bươi gốc để kiểm tra, ông còn phát hiện có hai loại hột màu trắng và màu vàng được vùi lấp dưới những gốc tiêu này. Thời điểm đó, có trên 180 trụ tiêu của gia đình ông Cường bị rụng trắng gốc, chết dần.

Đúng 1 tháng sau khi những sự vụ trên xảy ra thì ngày 2-12, tại khu vực rẫy của ông Phan Xuân Lương (thôn 14, xã Ea Kiết) phát hiện 687/870 cây cà phê (trồng từ năm thứ 8-10) bị cưa ở một phần gốc, nhưng chưa bị gãy đổ hoàn toàn và không có khả năng hồi sinh. Ngoài ra, ông Lương còn có 21 trụ tiêu trồng xen trong vườn cà phê trên bị chặt đứt ngang thân. Chưa dừng lại ở đó, chỉ 1 ngày sau (tức ngày 3-12), ông Hoàng Văn Quyền (trú thôn 5, xã Ea Kiết) cũng trình báo cơ quan chức năng về việc 74 trụ tiêu của gia đình tại thôn 11, xã Ea Kiết bị kẻ gian cưa đứt gốc.

Đó chỉ là những vụ chặt phá, hủy hoại cây trồng liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây. Thống kê của Công an huyện Cư M'gar cho thấy, trong năm 2018, trên địa bàn đã xảy ra 7 vụ hủy hoại cây trồng của người dân, chủ yếu là vườn hồ tiêu, cà phê, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Số vụ việc đang có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Số lượng cây trồng bị chặt phá mỗi vụ lên đến hàng trăm cây. Theo nhận định của Công an huyện, đa số vụ chặt phá, hủy hoại cây trồng đều xuất phát từ những hiềm khích, mâu thuẫn cá nhân trong cộng đồng dân cư, lâu ngày chưa được giải quyết một cách thấu đáo, triệt để, dẫn đến trả thù nhau bằng cách hủy hoại cây trồng để triệt hạ kinh tế.

Vườn tiêu của một hộ dân bị kẻ xấu chặt ngang thân.
Vườn tiêu của một hộ dân bị kẻ xấu chặt ngang thân.

Mặc dù Công an huyện đã tích cực vào cuộc, tiến hành khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, thu thập chứng cứ và khẩn trương điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng gây ra các vụ án trên, nhưng hầu hết vụ việc vẫn chưa tìm được đối tượng phá hoại. Đến nay, cơ quan điều tra Công an huyện mới chỉ khởi tố và ra quyết định phân công xác minh tin báo đối với 6 vụ theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân là do tình trạng phá hoại cây trồng trên địa bàn diễn biến phức tạp, đa số các vụ việc từ khi xảy ra đến lúc được phát hiện thì đã qua 2-3 ngày; các vụ việc đều xảy ra ở nương rẫy, ít người qua lại, cách xa nhà dân sinh sống; dấu vết để lại hiện trường chủ yếu là vết dao, cưa và gần như không thu thập được vật chứng, đồ vật gây án… đã gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác điều tra, thu thập chứng cứ...

Cùng với việc tích cực điều tra xác minh các vụ việc, Công an huyện Cư M'gar khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, bảo vệ tài sản của mình.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.