Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ khi vật nuôi... tham gia giao thông

08:01, 19/05/2019

Thả rông gia súc, gia cầm trên đường hay thậm chí là chó, mèo được các chủ phương tiện cho ngồi vắt vẻo trên xe hoặc phía trước tay lái khi dạo phố, là những việc làm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hiện tượng trâu, bò chăn, thả nghênh ngang trên đường, lấn chiếm lòng đường không chỉ diễn ra tại các tuyến đường làng, ngõ xóm vùng nông thôn mà xuất hiện ngày càng nhiều trên những tuyến đường quốc lộ nơi mật độ phương tiện tham gia giao thông cao.

Đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra do va chạm với vật nuôi, nhiều trường hợp bị thương nặng, nạn nhân phải tự chịu vì phần lớn vật nuôi đều “vô chủ”. Như trường hợp ông Lê Hữu Thành (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) khi đang chở người thân lưu thông trên đường đoạn qua ngã 3 Yang Reh (huyện Krông Bông) thì gặp đàn bò đang qua đường. Dù đã chủ động giảm tốc độ, nhưng một con bò trong đàn bất ngờ quay đầu chạy ngược lại khiến ông Thành không kịp xử lý. Hậu quả, ông bị chấn thương khớp gối, rất may người ngồi sau chỉ bị thương nhẹ.

Không chỉ trâu, bò mà có khi đàn vịt với số lượng hàng trăm con cũng được người dân ngang nhiên thả rông giữa đường. Việc thả rông vật nuôi không những làm cản trở, mất an toàn giao thông mà còn gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Đàn bò thả rông trên đường.
Đàn bò thả rông trên đường.

Rủi ro do thả rông vật nuôi trên đường có thể thấy rõ, còn đối với vật nuôi được chủ phương tiện cho ngồi trên xe lại trở thành nguy hiểm tiềm ẩn với chính họ và những người đi đường. Đặc biệt hiện nay, việc nuôi các loại chó nhập ngoại có kích thước lớn như Alaska, Ngao Tây Tạng, Pit Bull… được nhiều người yêu thích và được xem là trào lưu của giới trẻ. Đây là những loài chó có bản tính hung dữ, nguy hiểm hơn các loài chó thường.

Thế nhưng trên các tuyến đường tại TP. Buôn Ma Thuột, không khó bắt gặp hình ảnh những chú chó như vậy được chở theo trên xe máy, xe đạp điện đi dạo phố cùng với chủ nhân mà không có bất kỳ biện pháp bảo hộ nào. Những chú chó ngồi vắt vẻo trên yên xe, đứng phía trước tay lái, đứng chắn ngang giữa khoảng đặt chân của xe tay ga… có thể khiến chủ vật nuôi thích thú và hãnh diện khi chúng tỏ ra thông minh, biết “ngồi” như con người. Thế nhưng hầu hết chủ vật nuôi không lường trước được rằng, ngay cả những con vật dù đã được huấn luyện thành thục, nhưng vẫn dễ dàng bị tác động, kích thích bởi các yếu tố ngoại cảnh như ánh đèn nhấp nháy, tiếng còi xe hay những con vật nuôi khác... nên sẽ có những hành động bất thường như lao xuống đường, nhảy sang xe bên cạnh hay chồm lên phía trước. Khi đó, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Đối với những con vật nhỏ thì người đi đường khó quan sát, khi chúng đột ngột nhảy xuống đường sẽ khiến người tham gia giao thông không kịp trở tay.

...và vịt thả rông trên đường.
...và vịt thả rông trên đường.

Các quy định về xử lý các hành vi vi phạm đối với người để gia súc, vật nuôi thả rông đã có, nhưng tại nhiều địa phương việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi thiếu cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát; người bị nạn không nắm rõ quy định pháp luật hoặc không biết chủ nhân của gia súc, vật nuôi thả rông để yêu cầu bồi thường. Để hạn chế tai nạn không đáng có do vật nuôi gây ra, về phía người dân phải nâng cao ý thức, có biện pháp nuôi nhốt, chăn thả an toàn nhằm tránh những hiểm họa tai nạn cho người đi đường. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi, đồng thời xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

Theo Điều 10 Nghị định 46/2016 NĐ-CP của Chính phủ quy định, đối với hành vi vi phạm điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định thì bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng; phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ.

Thùy Linh - Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.