Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực trong phòng, chống bạo lực gia đình

15:15, 25/06/2019
Người dân ở xã Tân Lập (huyện Krông Búk) vẫn chưa quên vụ án mạng xảy ra ở địa phương vào năm 2017 mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn gia đình.
 
Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, bà Ph.T.T (SN 1961) cùng chồng là ông Tr.M.C (SN 1960) sống ở thôn 6, xã Tân Lập. Trong quá trình sinh sống, ông C. thường xuyên uống rượu, đánh đập, chửi bới bà T. Vào ngày 2-9-2017, như mọi lần, ông C. đi nhậu về rồi chửi mắng vợ. Bà T. không nói gì mà bỏ sang nhà hàng xóm ngủ nhờ. Sáng 3-9, khi bà T. về nhà thì xảy ra cãi vã với chồng. Ông C. dùng ghế nhựa đuổi đánh bà T. Do quá tức giận vì bị chồng hành hạ, đánh đập trong thời gian dài nên bà T. đã lấy cây cuốc trong bếp đánh nhiều nhát vào đầu khiến ông C. bị thương và tử vong sau đó. Bà T. bị kết án 12 năm tù về tội giết người.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến khá tích cực, số vụ BLGĐ có xu hướng giảm theo từng năm. Thống kê cho thấy, năm 2009 toàn tỉnh xảy ra 1.780 vụ BLGĐ, năm 2010 xảy ra 1.390 vụ, đến năm 2017 xảy ra 601 vụ... Trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 282 vụ BLGĐ, với 280 nạn nhân (trong đó 260 nạn nhân là phụ nữ, 20 vụ việc là bạo lực đối với nam giới). Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, nhưng phổ biến nhất vẫn là do điều kiện kinh tế khó khăn, lối sống thực dụng, rượu chè, cờ bạc, ma túy... Bên cạnh đó, nhận thức về bình đẳng giới còn hạn chế; các thành viên trong gia đình, nhất là gia đình trẻ thiếu kiến thức và kỹ năng sống. Ngoài ra, do tâm lý e ngại, thờ ơ, ít quan tâm đến các trường hợp có nguy cơ BLGĐ để can thiệp kịp thời cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến BLGĐ...

Gia đình cô Luân Thị Liên và chú Trần Hữu Vỹ (tổ dân phố 10, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) tại Lễ tuyên dương các gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc năm 2018.
Gia đình cô Luân Thị Liên và chú Trần Hữu Vỹ (tổ dân phố 10, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) tại Lễ tuyên dương các gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc năm 2018.

Nhằm giảm thiểu tình trạng BLGĐ, thời gian qua các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động, đặc biệt là việc thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ. Các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, vận động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ và hậu quả của các hành vi BLGĐ. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 12 bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ; 15/15 Phòng Văn hóa và Thông tin cơ sở đã tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch hành động phòng, chống BLGĐ; 8/15 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ.

Các gia đình tiêu biểu của TP. Buôn Ma Thuột nhận Giấy khen tại Lễ tuyên dương các gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc năm 2018.
Các gia đình tiêu biểu của TP. Buôn Ma Thuột nhận Giấy khen tại Lễ tuyên dương các gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc năm 2018.

Bên cạnh đó, công tác can thiệp hỗ trợ, xử lý các vụ việc BLGĐ cũng được thực hiện kịp thời khi đã góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 6.649 vụ, áp dụng các biện pháp cấm tiếp xúc 424 vụ, áp dụng các biện pháp giáo dục 1.697 vụ, tạm giữ - xử phạt hành chính 617 vụ, xử lý hình sự 80 vụ. Ngoài ra, các hoạt động can thiệp hỗ trợ nạn nhân cũng được quan tâm kịp thời. Từ năm 2008 đến năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn tâm lý, pháp luật cho 7.486 nạn nhân, tổ chức cho 208 nạn nhân đến sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, 2.904 nạn nhân được chuyển đến các cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe; có 1.030 nạn nhân tìm đến địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 126 nạn nhân được hỗ trợ tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ…

Toàn tỉnh hiện có 7 mô hình điểm về phòng, chống BLGĐ tại các địa phương; 73/184 xã, phường, thị trấn có Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ; 273 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 472 nhóm phòng, chống BLGĐ, 527 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; có 2.437 tổ hòa giải, trung bình hằng năm thụ lý, giải quyết 3.500 vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư…

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.