Multimedia Đọc Báo in

Lạm dụng rượu, bia - hậu họa khôn lường!

08:47, 29/06/2019

Tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang gây ra những bi kịch cho nhiều gia đình, để lại hậu quả khôn lường cho toàn xã hội; trong đó, có không ít bi kịch lại có điểm xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia.

Hiểm nguy rình rập

Trong văn hóa giao tiếp của người Việt, rượu, bia là hương vị không thể thiếu, nhưng thói quen đó bây giờ bị không ít người lạm dụng một cách thái quá: vui uống, buồn uống, gặp gỡ đối tác uống, gặp bạn bè uống và thậm chí chẳng có lý do gì cũng… uống! Chính sự lạm dụng đó đã gián tiếp gây ra biết bao vụ tai nạn thương tâm. Tính riêng tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 - 30 ca cấp cứu có liên quan đến TNGT. Con số này còn tăng lên gấp bội trong những ngày nghỉ cuối tuần hoặc trong những dịp nghỉ lễ, tết. Theo bác sĩ Ngô Thị Linh (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), cấp cứu bệnh nhân bị TNGT đã khó vì mức độ đa chấn thương, nhưng càng khó hơn khi cấp cứu bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu cao gây nhiễu việc chẩn đoán. Đó là chưa kể trường hợp người nhà bệnh nhân sẵn có hơi men, hung hăng gây rối trong bệnh viện…

Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay nước ta đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Có thể thấy, rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia, rượu. Do say xỉn không làm chủ được tay lái, xử lý tình huống kém, nhiều người đã vô tình gieo án "tử" không hẹn trước cho người tham gia giao thông khác và chính mình. Đơn cử như vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Ea H’leo cách đây chưa lâu khi một cô gái trẻ đã sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển xe ô tô, thiếu tỉnh táo nên đạp nhầm chân phanh thành chân ga khiến 2 bà cháu vô tội tử vong và 8 người khác bị thương. Hay như trên địa bàn xã Cư Né (huyện Krông Búk), trước đây từng xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện say rượu tự tông vào cọc tiêu bên đường, rơi xuống mương thoát nước khiến 2 người chết và 1 người bị thương. Và còn rất nhiều vụ TNGT, những di chứng do TNGT để lại khiến chúng ta luôn phải day dứt và buông lơi câu nói "giá như...".

Mạnh tay với “ma men”

Có nhiều cuộc vui được khởi nguồn là rượu, bia nhưng điểm kết thúc lại là bệnh viện và điều xấu hơn nữa có thể là "dấu chấm hết" cho một cuộc đời. Để hạn chế TNGT do sử dụng rượu, bia đang là một bài toán khó, cần sự phối hợp và vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia như: cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu, bia trong giờ làm việc hoặc buổi trưa; xử phạt nặng tay với những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông có hơi men quá mức quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng...

Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: "Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều “ma men” tỏ ra bất hợp tác, không chấp hành hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn hoặc khi phát hiện mình vượt mức nồng độ cồn cho phép thì có biểu hiện chống đối, xin xỏ… gây khó khăn trong công tác xử lý".

 Cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hằng năm nước ta tiêu thụ khoảng 2,7 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Trung bình mỗi ngày, cả nước xảy ra 50 vụ TNGT, làm chết khoảng 20 người; trong đó, số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 40%...

Mới đây, Quốc hội đã tán thành việc luật hóa quy định “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này sẽ tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ TNGT liên quan đến rượu, bia.

Theo anh Phạm Văn Tư - một lái xe khách trú tại huyện Cư M’gar, việc các đại biểu Quốc hội biểu quyết nhất trí việc luật hóa quy định nói trên đã đáp ứng được mong mỏi của người dân bấy lâu nay. Đây là động thái cần thiết, đủ sức răn đe các “ma men” khi tham gia giao thông. Ở một số nước, người lái xe vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay, chưa cần gây hậu quả. Vi phạm nồng độ cồn cũng có thể bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện hoặc bắt lao động công ích.

TNGT đã và đang để lại những hậu quả rất lớn cho gia đình và xã hội, trong đó có nguyên nhân không nhỏ bắt nguồn từ việc lạm dụng đồ uống có cồn. Bởi vậy, mỗi người trong chúng ta nên cương quyết từ chối uống rượu, bia nếu sau đó phải lái xe và chỉ điều khiển phương tiện khi đủ tỉnh táo để bảo đảm an toàn cho bản thân mình và người khác.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.