Tìm lại giá trị cuộc sống
Để giúp các học viên đang cai nghiện nhận thức được giá trị, ý nghĩa của cuộc sống thông qua hoạt động lao động, Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức đào tạo, dạy nghề, mở ra cơ hội cho người cai nghiện có việc làm, thu nhập ổn định sau khi tái hòa nhập cộng đồng.
Cần mẫn, khéo léo theo từng đường may, học viên N.T. H.T. thao tác nhịp nhàng để hoàn thành các công đoạn cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Sau hai ngày miệt mài qua các công đoạn ra vải, may ráp, chiếc áo với đường may sắc nét đã hoàn thành trong sự hài lòng của chính học viên cũng như giáo viên đào tạo nghề. T. hào hứng khoe: “Đây là thành quả lao động sau hơn bốn tháng học may của em. Trước kia em không nghĩ rằng may một chiếc áo lại phức tạp như thế, nó đòi hỏi người may phải tập trung, dồn tất cả tâm trí vào công việc. Cũng nhờ đó mà em đã học được tính kiên nhẫn, chịu khó, hiểu được giá trị, ý nghĩa của lao động”.
Học viên H.T.H. (bên phải) được giáo viên hướng dẫn đan chiếc bàn bằng mây. |
Ở khu vực dạy nghề đan lát mây dành cho các học viên nam, không khí làm việc cũng rất khẩn trương, nghiêm túc. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Trịnh Ngọc Tùng, học viên P.H.A. tỉ mẩn uốn, khéo léo đan những thanh mây, tạo thành các hoa văn đẹp mắt. Cạnh bên, các sản phẩm như ghế dựa, bàn ăn đã hoàn thành đang chờ xuất xưởng. “Công việc tuy không nặng nhọc, song người làm phải thao tác nhẹ nhàng, không được phân tâm, bởi các thanh mây khá dễ gãy. Quan trọng hơn là công việc giúp em không có thời gian suy nghĩ lung tung, bản thân nhận thức được giá trị cuộc sống từ những sản phẩm do chính tay mình làm ra”, P.H.A. tâm sự. Được biết, để làm ra một chiếc bàn, ghế hoàn chỉnh, trung bình mỗi học viên phải mất bốn ngày.
Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy hiện điều trị cho gần 500 học viên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh: Khánh Hòa, Kon Tum. Theo Phó Giám đốc Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy Nguyễn Ngọc Kia, bên cạnh nhiệm vụ giúp học viên cai nghiện, thì việc kết hợp với công tác đào tạo nghề, lao động trị liệu cho học viên có ý nghĩa quyết định đến thành bại của công tác cai nghiện, bởi nó không chỉ giúp học viên đủ nghị lực đoạn tuyệt với ma túy mà còn học được một nghề, tự tin hòa nhập với xã hội khi trở về.
Trên cơ sở tìm hiểu các ngành, nghề phù hợp cũng như nhu cầu thị trường, đầu ra của sản phẩm, Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy đã chọn hai nghề may mặc và đan lát mây để dạy học viên. Song song với việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, dạy nghề, Cơ sở tuyển chọn các giáo viên có tay nghề cao, tận tình, tâm huyết truyền dạy nghề. Thầy giáo Trịnh Ngọc Tùng chia sẻ: “Ban đầu khi hướng dẫn, dạy nghề cho học viên, tôi gặp không ít khó khăn, bởi trước kia các em vốn sống trong môi trường tự do theo ý mình, không thích lao động. Vì vậy tôi phải kiên trì, nhẫn nại, vừa chỉ bảo vừa phân tích giá trị, ý nghĩa của việc lao động, giúp các em yêu thích công việc mình đang làm”.
Theo thống kê, trong năm 2018, số tiền mà học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy hưởng theo ngày công lao động và các sản phẩm bán ra được gần 200 triệu đồng. |
Để tạo thêm động lực, khuyến khích, giúp các học viên nhận rõ ý nghĩa, giá trị nghề được học, cơ sở chủ trương cho học viên được hưởng 100% giá trị sản phẩm mình làm ra, sau khi trừ các chi phí đầu tư, nguyên vật liệu. Được biết, một sản phẩm sau khi hoàn thành, bán ra thị trường giá trị kinh tế không cao lắm, song giá trị cao hơn mà học viên nhận được là nhận thức được ý nghĩa của lao động, mục đích mà con người luôn hướng đến để khẳng định bản thân trong xã hội.
Học viên Đ.T.S. tâm sự: “Trước đây một ngày em "đốt" cả triệu đồng cho ma túy mà không tiếc, bởi tiền đó không phải do tự mình làm ra. Vào đây làm vất vả một tuần mới được vài trăm nghìn, em trân trọng, quý số tiền này lắm, vì đó chính là mồ hôi, công sức của mình”. Còn học viên H.T.H. thì trải lòng: “Lao động giúp em từ bỏ suy nghĩ buông xuôi, thoát khỏi sự bế tắc, trở thành người sống có mục đích, có khát vọng, nhất là sau này khi trở về, em tự tin tìm kiếm việc làm, có thể sống lương thiện bằng đồng tiền do tự mình làm ra”.
Học viên học nghề đan lát mây tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy. |
Ngoài học nghề, học viên còn tham gia chăm sóc, thu hoạch trên 30 ha cà phê của cơ sở và được trả tiền theo ngày công lao động. Các loại rau củ, gia cầm, gia súc do học viên trồng trọt, chăn nuôi được cơ sở mua lại theo giá thị trường, bổ sung vào khẩu phần, cải thiện bữa ăn, giúp học viên đảm bảo đủ sức khỏe thể chất, hỗ trợ cai nghiện thành công để sớm trở về với gia đình, trở thành một công dân tốt.
Thảo Nhi
Ý kiến bạn đọc