Multimedia Đọc Báo in

Từ đơn thư bạn đọc

Ai đã đổ thuốc sâu xuống giếng nhà ông Hà Văn Thiệp?

12:08, 23/07/2019
Mặc dù xác định vụ phát hiện thuốc sâu trong giếng nước sinh hoạt của một hộ dân là có thật, tuy nhiên Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Krông Năng lại quyết định không khởi tố vụ án để điều tra vì cho rằng không đủ dấu hiệu của tội phạm, hành vi không cấu thành tội phạm. Không đồng ý với quyết định này, đương sự đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng…

Diễn biến vụ việc

Sáng 19-5-2018, gia đình ông Hà Văn Thiệp (SN 1977) ở thôn Quảng Hà, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng bơm nước từ giếng nhà lên bể để sử dụng thì phát hiện nước có mùi thuốc trừ sâu hôi nồng nặc và có màu trắng đục. Nghi ngờ có người đổ thuốc trừ sâu xuống giếng đầu độc gia đình nên ông Thiệp trình báo cơ quan công an. Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng đã tiến hành tổ chức khám nghiệm hiện trường, tạm giữ 1 nắp chai màu đỏ và tiến hành lấy mẫu nước tại giếng để giám định.

Theo kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự TP. Hồ Chí Minh ngày 25-9-2018, mẫu nước gửi giám định có chứa thành phần Cypermethrin, là thuốc trừ sâu thuộc nhóm độc II, độc với người và gia súc.

Thông báo về việc không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng.
Thông báo về việc không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng.

Đến ngày 9-5-2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng ra Thông báo số 178/TB-CQĐT(HS) về việc không khởi tố vụ án hình sự với lý do: Quá trình kiểm tra xác minh thấy không đủ dấu hiệu của tội phạm, hành vi không cấu thành tội phạm.

 
“Việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng ra quyết định không khởi tố vụ án là tạo điều kiện cho kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tính mạng gia đình tôi cũng như nhiều người khác vẫn bị đe dọa”.
 
Ông Hà Văn Thiệp

Không đồng ý, ông Hà Văn Thiệp gửi đơn khiếu nại đến Công an huyện Krông Năng yêu cầu hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự mà phải khởi tố để điều tra. Ngày 29-5-2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng ban hành Quyết định số 10/QĐ-CQĐT(CSHS) về việc giải quyết khiếu nại của ông Hà Văn Thiệp. Quyết định này cho rằng: Hành vi đổ thuốc sâu xuống giếng nhà ông Thiệp không đủ dấu hiệu của tội phạm giết người và không có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Chính vì vậy, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng bác toàn bộ nội dung đơn khiếu nại của ông Thiệp.

Cần khởi tố vụ án để điều tra

Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng, ông Thiệp lập luận: “Chẳng lẽ gia đình tôi tự đổ thuốc độc xuống giếng nhà mình để tự hại mình?”. Theo  ông Thiệp, hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống giếng nước sinh hoạt của gia đình ông đã cấu thành hành vi cố ý giết người nhưng chưa đạt được vì yếu tố khách quan (được gia đình phát hiện kịp thời), nếu không thì hậu quả sẽ rất khó lường. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, cần phải được khởi tố vụ án điều tra làm rõ kẻ phạm tội để xử lý.

Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk cho rằng: Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng không khởi tố vụ án để điều tra là không thực hiện hết trách nhiệm.

Theo Luật sư Tạ Quang Tòng, một khi đã xác định được có thuốc trừ sâu, có thành phần độc tố trong giếng nước nhà ông Thiệp thì rõ ràng đây là hành vi cố ý nhằm gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, hoặc chết người, hoặc gây ra tổn thương khác, khi sử dụng nguồn nước này. Đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội. Việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng nhận định: “Hành vi đổ thuốc sâu xuống giếng nhà ông Thiệp không đủ dấu hiệu của tội phạm giết người và không có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” là thiếu thuyết phục. Lẽ ra Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Năng phải khởi tố vụ án để điều tra thì mới có thể tìm được thủ phạm.

                                  Tổ bạn đọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.