Những trò đùa... nguy hiểm
Thời gian gần đây Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) nhận nhiều tin báo cháy giả, gây ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ của lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp.
Theo Đại úy Nguyễn Ngọc Độ, Đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (bộ phận trực tiếp tiếp nhận tin báo cháy qua số điện thoại 114) thì trung bình mỗi ngày, bộ phận trực ban của đội nhận từ 100 – 120 cuộc điện thoại báo cháy giả. Để dẫn chứng thực tế, phóng viên được mời vào phòng trực ban và chứng kiến, chỉ trong thời gian 5 phút, hai điện thoại để bàn liên tục đổ chuông, hiển thị số điện thoại 0935574XXX, nhưng khi cán bộ trực ban nhấc máy thì đầu dây bên kia lại tắt. “Chắc chắn đối tượng đang sử dụng sim rác để quấy phá.
Đây là trường hợp đối tượng đang còn “lịch sự”, không dùng lời lẽ khó nghe, thậm chí chửi bới”, Đại úy Đinh Ngọc Lương, cán bộ trực ban cho biết. Đại úy Lương thông tin thêm, phải đến cao điểm giữa trưa, nửa đêm và rạng sáng thì điện thoại trực ban mới làm việc hết công suất, nhiều số điện thoại liên tục gọi nhá máy, trêu đùa, lăng mạ lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Anh lấy nhật ký trực ban dẫn chứng một trường hợp đối tượng ở khu vực huyện Cư M’gar nhưng chưa xác định chính xác họ tên sử dụng sim rác để gọi từ nửa đêm đến rạng sáng; hoặc số điện thoại của một công ty đã giải thể, gọi liên tục 24/24 giờ...
Cán bộ trực điện thoại báo cháy 114 tiếp nhận thông tin. |
Có thâm niên, kinh nghiệm trực ban, xử lý tin báo cháy giả hơn chục năm, Đại úy Lê Tiến Cường phân tích: “Thực tế công tác của tôi cho thấy, tin báo cháy giả xuất phát từ muôn vàn nguyên nhân: có đối tượng buồn nên nhá máy giải khuây; có người gọi với mục đích kiểm tra xem có ai trực đầu dây bên kia hay không hoặc đánh giá phản ứng của lực lượng chữa cháy; cũng có người vì say rượu, không kiểm soát được hành vi nên cứ gọi...”. Điều đó phản ánh một thực tế là nhận thức về pháp luật phòng cháy chữa cháy của một bộ phận người dân còn rất hạn chế, họ xem thường các quy định của pháp luật, xem việc báo tin cháy giả như là trò đùa vô hại mà không ý thức những hệ lụy mà nó gây ra.
“Theo quy định của pháp luật thì mọi thông tin báo cháy đều được tiếp nhận. Chính vì vậy, trong bất cứ trường hợp nào, vào bất cứ thời điểm nào khi nhận được tin báo, cán bộ trực ban đều có trách nhiệm tiếp nhận điện thoại, chính vì vậy dẫu biết là cuộc gọi nhá máy, báo cháy giả song trực ban vẫn phải tiếp nhận và phân tích, xử lý thông tin”, Đại úy Nguyễn Ngọc Độ cho biết.
Nhiều cuộc gọi nhá máy liên tục khiến đường dây của tổng đài rơi vào tình trạng nghẽn, có thể làm cho quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy thật bị chậm trễ, gây ra những thiệt hại khôn lường khi cháy nổ xảy ra. Những trường hợp tin báo cháy giả đều sử dụng sim rác khiến quá trình tiếp nhận thông tin của cơ quan chức năng bị nhiễu loạn, việc xác định, kiểm tra thông tin khó khăn, chậm trễ.
Bởi theo quy trình, sau khi tiếp nhận tin báo cháy, dù là tin giả, lực lượng chữa cháy phải xác minh qua chính quyền, công an địa phương, các cơ sở báo cháy để thẩm định chắc chắn thông tin, điều này sẽ gây cảm giác phiền toái, hiểu nhầm cho địa phương, cơ sở. Đó là chưa kể trong trường hợp lực lượng cứu hỏa đã huy động quân số, xuất xe, đến hiện trường nhưng lại không có hỏa hoạn nên gây lãng phí về kinh tế, ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, giảm khả năng thường trực, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ cứu hỏa.
Phân tích rõ như thế mới thấy hậu quả của trò đùa trên là nguy hiểm như thế nào. Tuy nhiên hiện nay việc xử lý các trường hợp này còn nhiều bất cập, chưa kịp thời, chưa đủ sức răn đe. Nguyên nhân là do số điện thoại các đối tượng gọi đến đều dùng sim rác nên không xác minh được chủ thuê bao. Trường hợp đối tượng Trịnh Xuân Hòa (SN 1966, ngụ xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) vừa bị Công an huyện Ea H’leo phạt 3,5 triệu đồng về hành vi "báo cháy giả" là trường hợp cá biệt, đối tượng dùng thuê bao chính chủ. Thiết nghĩ để ngăn chặn tình trạng này tái diễn thì ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng cháy chữa cháy, tác hại của việc báo cháy giả thì bản thân người dân cần tự ý thức rằng đây không còn là trò đùa mà là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý. Bên cạnh đó các nhà mạng cũng cần tăng cường, quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện đăng ký khi mua thẻ sim điện thoại; kết hợp với việc lực lượng chức năng kịp thời, kiên quyết xử lý đối tượng vi phạm để có tác dụng răn đe, phòng ngừa
Điều 13 Luật Phòng cháy chữa cháy quy định báo cháy giả là hành vi bị nghiêm cấm, còn Nghị định 167/CP-NĐ ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, Điều 40 quy định rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi báo cháy giả. |
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc