Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng ngừa "giặc lửa" tấn công rừng

09:23, 30/03/2020

Mùa khô năm 2020 đang bước vào thời kỳ cao điểm, nắng nóng kết hợp với gió lớn khiến nhiều diện tích rừng của tỉnh đối mặt với nguy cơ cháy rất cao, chính vì vậy công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đang được các cấp, ngành và chủ rừng đặc biệt quan tâm.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong tổng số 512.523,3 ha rừng của tỉnh thì hiện nay có khoảng 290.688,2 ha rừng dễ cháy. Trong đó hơn 57.000 ha rừng có nguy cơ cháy rất cao, tập trung ở các huyện: Ea H’leo, Krông Năng, Ea Kar, Lắk; 25.400 ha rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu tại các địa phương như: M’Đrắk, Krông Bông, Krông Ana… Để kịp thời ứng phó với tình trạng trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương và chủ rừng tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR nhằm bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng.

Về phía các chủ rừng đa phần thực hiện nghiêm túc quy định về PCCCR trên diện tích rừng do đơn vị quản lý. Cụ thể các chủ rừng đã chủ động xây dựng phương án PCCCR, bố trí lực lượng thường trực chỉ huy, chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị; xây dựng công trình PCCCR tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; sửa chữa, tu bổ các công trình PCCCR; chủ động lực lượng, dụng cụ chữa cháy rừng, bố trí người canh trực tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao trong mùa khô. Điển hình như Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin - nơi có 59.484,2 ha rừng với những dãy núi cao, địa hình chia cắt, có nhiều vật liệu dễ cháy, đặc biệt là nhiều diện tích rừng ở xa, muốn đến được phải mất cả tuần, nếu xảy ra cháy rừng rất khó ngăn chặn nên đơn vị chủ động triển khai sớm các biện pháp phòng, chống cháy rừng.

Xử lý vật liệu dễ gây cháy rừng tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Xử lý vật liệu dễ gây cháy rừng tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Theo ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin, để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công, gây ảnh hưởng đến diện tích rừng quản lý, hằng năm cứ vào cuối mùa mưa đơn vị đã xây dựng phương án PCCCR trình cấp trên phê duyệt. Bước vào mùa khô, Vườn huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện phương án này. Mùa khô năm nay, Vườn đã phát dọn 68,5 km đường băng cản lửa, tổ chức họp dân 35 thôn, buôn tuyên truyền phương pháp PCCCR khi đốt dọn nương rẫy, ký 1.400 bản cam kết phòng cháy, không gây cháy rừng với các hộ dân sống gần rừng; thành lập 11 tổ PCCCR… Bên cạnh đó, ngoài lực lượng, phương tiện PCCCR tại chỗ, VQG Chư Yang Sin còn phối hợp chặt chẽ với Ban PCCCR các huyện lân cận và hơn 1.400 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng để kịp thời tham gia khi có cháy rừng xảy ra.

 

Để tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR trong thời gian tới địa phương rất cần được sự quan tâm đầu tư của Trung ương”.

 
Ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh

Tương tự, tại VQG Yok Đôn với đặc trưng là hệ sinh thái rừng khộp, vào mùa khô thảm thực vật phía dưới sẽ khô, những cây thân gỗ cũng trút lá để chống chọi với khí hậu khô nóng. Thảm thực vật khô, kết hợp với lá, cành khô từ những cây thân gỗ đổ xuống sẽ tạo nên một lớp vật liệu cháy rất nguy hiểm cho rừng nếu bắt lửa. Để phòng, chống cháy rừng, VQG Yok Đôn đã có cách ứng phó độc đáo, hiệu quả trong nhiều năm qua, đó là... đốt để chống cháy. Theo đó, Vườn phân công các trạm kiểm lâm chủ động đốt lớp vật liệu dễ cháy trên diện tích do mình quản lý. Trong mùa khô sẽ tiến hành đốt 3 lần để hạn chế lớp vật liệu này nhằm phòng ngừa xảy ra cháy, dẫn đến cháy lớn,  gây ảnh hưởng đến rừng.

Phát dọn đường băng cản lửa ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Phát dọn đường băng cản lửa ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, trước tình hình thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp, nguy cơ cháy rừng cao, đơn vị đã yêu cầu các hạt kiểm lâm phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác để phát hiện sớm, kịp thời huy động lực lượng dập lửa, không để xảy ra cháy lớn lan trên diện rộng; chuẩn bị sẵn sàng để chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân; tham mưu cho địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra việc triển khai công tác PCCCR đối với các chủ rừng, tổ chức, cá nhân đang nhận khoán để kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCCR. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp thường xuyên duy tu, bảo dưỡng các công trình, phương tiện và mua sắm trang thiết bị, dụng cụ PCCCR cần thiết; tiến hành vệ sinh rừng làm giảm lớp vật liệu dễ cháy, bảo đảm công tác PCCCR đạt hiệu quả cao nhất… Dù rất nỗ lực nhưng công tác PCCCR trên địa bàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết biến đổi thất thường trong khi nguồn kinh phí phân bổ cho các chủ rừng thực hiện công tác này hạn hẹp; phương tiện, dụng cụ chữa cháy còn thiếu...

                          Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.