Multimedia Đọc Báo in

Tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ: Tràn lan vi phạm hành lang an toàn giao thông

07:03, 28/10/2020

Công trình đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (gọi tắt là tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ) chưa làm thủ tục nghiệm thu, đưa vào sử dụng, nhưng nhiều vị trí trên tuyến xuất hiện tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên hành lang đường bộ, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao.

Tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Tổng mức đầu tư gần 575 tỷ đồng, từ nguồn vốn dư Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Quốc lộ 1. Công trình do Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào tháng 6-2016, dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Hiện tất cả hạng mục đã hoàn thành, chủ đầu tư đang làm thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế trên công trình, nhiều vị trí trên tuyến, nhất là đoạn qua địa bàn thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk xuất hiện tình trạng lấn chiếm đất hành lang đường bộ để trồng cây, xây dựng bờ rào, công trình kiên cố.

 

Chủ đầu tư và UBND thị xã Buôn Hồ kiểm tra một vị trí vi phạm lấn chiếm hành lang trên tuyến tránh phía Tây đoạn qua xã Cư Bao.
Chủ đầu tư và UBND thị xã Buôn Hồ kiểm tra một vị trí vi phạm lấn chiếm hành lang trên tuyến tránh phía Tây đoạn qua xã Cư Bao.

 

Cụ thể, tại km 1743+200 đoạn qua xã Cư Bao, vị trí thửa đất số 92, người dân tự ý xây dựng trụ bê tông cốt thép và móng đá hộc bao quanh đất, độ cao từ 0,5 đến 1,2 m và khoan một giếng nước ngầm. Được biết, đây là công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và lấn chiếm hành lang đường bộ. Ngoài ra, hộ này còn tập kết vật liệu xây dựng khu vực hành lang giao thông trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện vận chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, ở một số vị trí qua xã Cư Bao lại có tình trạng người dân trồng chuối, cà phê và chôn cột gỗ, bê tông xi măng ngay mái taluy. Trên tuyến đoạn qua các phường Thống Nhất, Đoàn Kết có đến 8 vị trí vi phạm hành lang đường bộ, chủ yếu là chôn cột bê tông xi măng, rào thép gai ở phạm vi hành lang.

Ông Võ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho biết, qua kiểm tra các vị trí vi phạm, đây là khu vực đã được Nhà nước đền bù khi thực hiện công trình. Do đó, trước mắt thị xã sẽ phối hợp với các địa phương có dự án đi qua vận động người dân tự ý tháo dỡ công trình trái phép (chủ yếu cột rào, cây trồng) trên đất hành lang giao thông. Đối với công trình xây móng nhà kiên cố không để phát sinh xây mới, sẽ có văn bản xử phạt vi phạm hành chính.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, mới đây UBND thị xã đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường: Cư Bao, Thống Nhất, Đoàn Kết tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và không xâm phạm đất, hành lang an toàn giao thông đường bộ thuộc Dự án tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ. Đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý các vị trí lấn chiếm khác thuộc địa bàn quản lý. Ngoài ra, giao các phòng, ban liên quan thường xuyên theo dõi, báo cáo việc xử lý theo thẩm quyền, kịp thời tham mưu cho UBND thị xã xử lý đối với những đơn vị triển khai chậm hoặc không thực hiện.

Công trình đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ dài hơn 26 km, đi qua huyện Krông Búk (10 km); huyện Cư M’gar (7 km) và qua thị xã Buôn Hồ khoảng 9 km.

Tương tự, dọc hai bên tuyến đoạn qua huyện Krông Búk, mặc dù mốc giải phóng mặt bằng được cắm và phân định rất rõ ranh giới giữa đất canh tác và đất hành lang đường bộ, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. UBND huyện cho biết, tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ đoạn qua địa bàn huyện Krông Búk dài 10 km. Sau khi nhận văn bản của Sở GTVT, địa phương đã lập đoàn kiểm tra thực tế, xác định các vị trí người dân vi phạm hành lang an toàn giao thông trên tuyến. Các lỗi vi phạm chủ yếu là trồng lấn cà phê, tiêu, một số cây ngắn ngày như bắp, đậu phộng… Bên cạnh đó, ở một số vị trí người dân tự ý chôn cột rào bằng bê tông, gỗ ngay rãnh thoát nước hoặc sát mép taluy làm che khuất tầm nhìn. Ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho hay, huyện vừa có văn bản giao UBND các xã Pơng Drang, Ea Ngai tiếp tục tiến hành kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm đất công trình giao thông đối với dự án này, yêu cầu các hộ dân di dời hàng rào kẽm gai, cột gỗ, cột bê tông xi măng ra ngoài phạm vi mốc giải phóng mặt bằng. Trường hợp không tự tháo dỡ, địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế, hoàn trả mặt bằng theo quy định của pháp luật.

 

Các cột bê tông được chôn lấp phía ngoài mốc lộ giới công trình tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ.
Các cột bê tông được chôn lấp phía ngoài mốc lộ giới công trình tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ.

 

Ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, đầu tháng 3-2019, Sở đã phối hợp với UBND các huyện Cư M’gar, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ bàn giao quản lý mốc lộ giới đường bộ tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ theo quy định. Song qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vị trí trên tuyến vi phạm về lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Sở đã có văn bản đề nghị, đồng thời phối hợp với địa phương kiểm tra thực địa, xử lý tình trạng này trong thời gian sớm nhất để nghiệm thu, bàn giao, đưa vào khai thác nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.