Multimedia Đọc Báo in

Khó xử phạt vi phạm qua camera giám sát giao thông

07:27, 20/11/2020

Xử phạt qua hệ thống camera giám sát (còn gọi là phạt “nguội”) đã góp phần việc kiểm soát các lỗi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện nên hiệu quả chưa như mong đợi.

Năm 2015, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh triển khai kế hoạch xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát khu vực nội thành Buôn Ma Thuột. Đến nay, đã có 4 điểm cửa ngõ ra vào TP. Buôn Ma Thuột có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông cao đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Một số lỗi chủ yếu được hệ thống camera giám sát phát hiện như: không chấp hành đèn tín hiệu giao thông; chạy quá tốc độ; đi sai làn đường, phần đường…

Hơn 5 năm qua, hệ thống camera đã góp phần vào việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, khu vực TP. Buôn Ma Thuột nói riêng. Quan sát tại các vị trí có gắn hệ thống camera trên đường Nguyễn Tất Thành, Hà Huy Tập, Lê Duẩn cho thấy, người dân đã hình thành thói quen chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi đi qua các khu vực này, thay vì đối phó như trước đây.

Một điểm gắn hệ thống camera giám sát xử phạt vi phạm giao thông khu vực TP. Buôn Ma Thuột.
Một điểm gắn hệ thống camera giám sát xử phạt vi phạm giao thông khu vực TP. Buôn Ma Thuột.

Anh Đ.X.H (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, trước đây do tâm lý đối phó, khi tham gia giao thông, đoạn đường nào không có lực lượng CSGT chốt là anh thường vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, lấn làn. Thời gian đầu mới triển khai phạt “nguội”, cũng do thói quen trước đó mà trong một năm anh H. nhận mấy giấy thông báo vi phạm qua hệ thống camera giao thông. Sau một số lần đến cơ quan CSGT tỉnh, với hình ảnh cụ thể, góc quay rộng, anh H. hoàn toàn đồng ý với kết luận lỗi vi phạm do mình gây ra và chấp hành nộp phạt. Với mức xử phạt cao, đặc biệt đối với hành vi vượt đèn đỏ, từ đó anh H. chấp hành quy định khi tham gia giao thông để không mất tiền vì những lỗi thuộc về ý thức và để bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh.

Hình thức phạt “nguội” là một trong những giải pháp góp phần kiềm giảm tai nạn giao thông (TNGT) khu vực nội thành từ đầu năm đến nay. Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 11-2020, TP. Buôn Ma Thuột xảy ra 76 vụ TNGT, làm chết 49 người, bị thương 45 người. So với cùng kỳ năm ngoái TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí, cụ thể giảm 22,4% về số vụ, giảm 23,4% số người chết và giảm 33,8% về số người bị thương.

Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh trích xuất dữ liệu vi phạm qua máy tính.
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh trích xuất dữ liệu vi phạm qua máy tính.

11 tháng năm 2020, hệ thống camera giám sát đã phát hiện gần 11.000 trường hợp vi phạm giao thông, với 2 hành vi chạy quá tốc độ và không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đã lập biên bản, xử lý hơn 1.500 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, quá trình thực hiện việc phạt “nguội” bộc lộ một số bất cập. Đó là khi mua bán phương tiện, chủ xe chỉ làm thủ tục mua bán mà không làm thủ tục sang tên nên không xác định được chính chủ nếu vi phạm. Hay một số xe được sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều địa phương nên dù có hình ảnh phương tiện vi phạm, nhưng việc xác minh người điều khiển và chủ phương tiện rất khó. Ngoài ra, một số trường hợp thay đổi địa chỉ, đặc biệt là đến địa phương khác sinh sống cũng gây khó khăn trong việc gửi thông báo vi phạm… Do đó, dù phát hiện nhiều vi phạm giao thông qua hệ thống camera song thực tế số người bị xử phạt chưa nhiều.

Trung tá Hoàng Xuân Tiến, Đội trưởng Đội tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông (Phòng CSGT Công an tỉnh) khẳng định, phạt “nguội” vi phạm giao thông được người dân ủng hộ, đem lại hiệu quả. Sắp tới bên cạnh khắc phục những hạn chế, lực lượng CSGT sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cùng với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT, lực lượng CSGT toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền quy định về trật tự an toàn giao thông đến các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Về phía Phòng CSGT Công an tỉnh sẽ tăng cường sự giám sát của người dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT bằng cách công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các video, hình ảnh vi phạm giao thông do người dân cung cấp, trên cơ sở đó tiến hành xác minh, tra cứu và mời chủ phương tiện lên làm việc.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.