Multimedia Đọc Báo in

Quy định pháp luật về điều kiện chăn nuôi

06:15, 22/11/2020

Chăn nuôi là việc cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức nuôi gia súc, gia cầm để làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh.

Theo Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ năm 2020), có hai loại hình chăn nuôi gồm chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Trong đó, chăn nuôi nông hộ là chăn nuôi của hộ gia đình, có dưới 10 đơn vị vật nuôi; còn chăn nuôi trang trại là chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất, kinh doanh, có từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên (đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống).

 

Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của nông dân xã Ea Siên, TX. Buôn Hồ.    Ảnh: Thúy Hồng
Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của nông dân xã Ea Siên, TX. Buôn Hồ. Ảnh: Thúy Hồng

Đối với chăn nuôi nông hộ, theo quy định pháp luật, phải đáp ứng các điều kiện: Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; phải định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; đồng thời, phải có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch, thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

Đối với chăn nuôi trang trại, pháp luật quy định vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi của tỉnh theo quy định của UBND tỉnh (hiện Sở NN-PTNT đang trình UBND tỉnh xem xét ban hành quy định này); có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật; có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi; có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc (lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 1 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi).

Đặc biệt, đối với chăn nuôi trang trại, phải có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại nhằm bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, cụ thể:

- Trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ (từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi) phải có khoảng cách từ trang trại đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 100 m; cách trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 150 m.

- Trang trại có quy mô vừa (từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi) thì khoảng cách đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 200 m; trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu là 300 m.

- Trang trại có quy mô lớn (từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên) thì khoảng cách đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, khu dân cư tối thiểu là 400 m; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 500 m. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Ngoài ra, một trong những hành vi cấm trong chăn nuôi mà người chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại cần lưu ý, đó là nghiêm cấm việc chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Khu vực nào thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi sẽ do HĐND tỉnh quy định; những cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày 1-1-2020 nằm trong khu vực này, chậm nhất đến ngày 1-1-2025 phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.

Hiện các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đang xem xét, đánh giá để đề nghị xác định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế của tỉnh nhằm góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị tại các khu vực tập trung đông dân cư sinh sống.

Quang Huy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.