Multimedia Đọc Báo in

Hậu quả từ sử dụng pháo nổ

11:03, 27/02/2021

Mặc dù Nhà nước đã cấm pháo nổ từ nhiều năm nay, song trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua, vẫn có nhiều người dân trên địa bàn lén lút tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ, trong đó có không ít người phải nhập viện do tai nạn pháo nổ, nhiều trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến tàn phế.

Nhập viện điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từ đêm 30 Tết vì tai nạn do đốt pháo cối, anh Nguyễn Trung Lâm (30 tuổi, ở xã Cư Ni, huyện Ea Kar) vẫn còn đau đớn bởi hai bàn tay bị dập nát với nhiều vết thương phức tạp. Vết thương do pháo nổ rồi sẽ lành da, nhưng đôi tay không còn lành lặn sẽ đẩy gia đình anh Lâm vào tình cảnh khó khăn vì anh là trụ cột kinh tế của gia đình năm người, công việc chính là lái máy cày. Anh Lâm chia sẻ: "Tôi đặt mua pháo trên mạng và nhận hàng hôm 29 Tết. Tối 30 Tết, tôi mang pháo lên nhà bố mẹ đốt để góp vui. Khi vừa châm lửa xong, quả pháo nổ luôn trên tay tôi, dẫn đến thương tổn nghiêm trọng. Giờ tôi thấy rất hối hận, với hai bàn tay không lành lặn thế này, không biết rồi cuộc sống sau này sẽ tiếp tục ra sao. Tôi mong mọi người đừng mua pháo, đốt pháo như tôi đã từng làm".

Một trường hợp bị tai nạn do pháo nỗ dẫn đến phải cắt bỏ bàn tay trái. Ả
Một trường hợp bị tai nạn do pháo nỗ dẫn đến phải cắt bỏ bàn tay trái.
Điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137/2020/NĐ-CP, ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021) nêu rõ loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng là “Sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ”. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Còn em Nguyễn Tuấn Vũ (15 tuổi, ở xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) sau kỳ nghỉ Tết thay vì đến trường đi học thì vẫn đang nằm viện để điều trị bàn tay đã mất 3 ngón vì pháo nổ. Bố của em, ông Nguyễn Tiến Linh cho biết, đêm 30 Tết, con trai ông đi chơi với bạn rồi tham gia đốt pháo, khi bị tai nạn được các bạn đưa vào bệnh viện huyện, sau khi sơ cứu thì được chuyển thẳng lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Thay vì cả nhà quây quần đón giao thừa, vợ chồng ông cuống cuồng chạy lên bệnh viện tìm con. Mọi hy vọng, niềm vui cho một cái Tết ấm cúng tan theo tiếng pháo nổ, khi bàn tay phải của con bị dập nát. Sau khi được các bác sĩ làm phẫu thuật tháo đốt của 3 ngón tay, vết thương ở bàn tay của cháu Vũ vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hiện đang được theo dõi để có hướng xử trí.

Thống kê của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho thấy, trong 6 ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu, bệnh viện đã tiếp nhận 13 trường hợp tai nạn do pháo nổ. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Minh Trực, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tai nạn do pháo nổ thường gây ra những chấn thương cho các bộ phận gân, cơ và da, gây dập, nát xương, thậm chí là nhiễm trùng máu và để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh. Hiện khoa đang điều trị cho 5 bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ. Tất cả các trường hợp này đều ở độ tuổi thanh thiếu niên và bị tổn thương vùng bàn tay rất nặng nề, có nguy cơ nhiễm trùng cao, thậm chí có những trường hợp phải cắt bỏ bàn tay, ngón tay. Các tai nạn do pháo đều rất nguy hiểm, không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá gây các vết thương nghiêm trọng. Bởi vậy, người dân, nhất là trẻ em trên địa bàn tỉnh cần được tuyên truyền, hiểu biết về những nguy hại do pháo nổ gây ra để qua đó có nhận thức rằng sản xuất, sử dụng pháo không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp tai nạn, dẫn đến hậu quả rất nặng nề không chỉ đối với bản thân mà còn tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng thương tật sẽ vĩnh viễn để lại trên cơ thể bệnh nhân do pháo nổ gây ra. Đây chính là hậu quả cho sự chủ quan về tác hại cũng như thiếu hiểu biết, cố tình vi phạm quy định cấm sử dụng pháo nổ.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.