Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

08:35, 23/02/2021

Xử phạt vi phạm hành chính được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập, gây ra nhiều khó khăn cho việc thực thi.

Theo quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC): Trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng cảnh sát giao thông công an cấp tỉnh được phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của luật này nhưng không quá 25 triệu đồng và giám đốc công an tỉnh phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của luật này nhưng không quá 50 triệu đồng. Khoản 2 Điều 46 Luật XLVPHC cũng quy định chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của luật này nhưng không quá 50 triệu đồng.

 

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe phương tiện giao thông trên đường Hồ Chí Minh.  Ảnh: Thế Hùng
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe phương tiện giao thông trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế Hùng

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật XLVPHC mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng; tức là: Trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng cảnh sát giao thông công an cấp tỉnh chỉ được xử phạt tới mức tối đa là 8 triệu đồng đối với cá nhân, 16 triệu đồng đối với tổ chức; giám đốc công an tỉnh, chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải chỉ được xử phạt tới mức tối đa là 20 triệu đồng đối với cá nhân; 40 triệu đồng đối với tổ chức.

Tuy nhiên hiện nay, các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có mức phạt rất cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của các chức danh nêu trên nên phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt (Chủ tịch UBND cấp tỉnh) dẫn đến việc kéo dài và phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác XLVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo khoản 3 Điều 25 Luật XLVPHC quy định, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này từ 1 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, hiện nay một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như vi phạm quy định về nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy… có tính chất, mức độ nguy hiểm cao, khả năng gây tai nạn giao thông lớn nên việc quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 24 tháng là chưa đủ sức răn đe.

Theo quy định tại Điều 125 Luật XLVPHC, việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết “Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội” (điểm b khoản 1). Cũng theo quy định này, “trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của chiến sĩ cảnh sát nhân dân… đang thi hành công vụ phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 điều này để xem xét ra quyết định tạm giữ”. Như vậy, theo quy định hiện hành thì chiến sĩ công an, thanh tra viên ngành giao thông vận tải đang thi hành công vụ không có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong khi trên thực tế để ngăn chặn ngay những hành vi vi phạm hành chính như vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích hoặc không có giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép lái xe không phù hợp với loại xe đang điều khiển… thì cần phải lập biên bản và tạm giữ phương tiện để ngăn chặn hành vi có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Nhiều hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên thực tế chưa được quy định xử phạt trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP như: hành vi vi phạm của các đơn vị sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô; hành vi của chủ phương tiện và người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lỗi để người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hành vi của người đưa phương tiện có giấy đăng ký xe nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông…

Khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định thủ tục xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: “Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm”. Tuy nhiên, việc xác định chủ phương tiện trên thực tế gặp nhiều khó khăn, bởi có nhiều xe mua bán sang nhượng qua nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau nhưng chưa làm thủ tục sang tên, chưa kể có nhiều phương tiện đeo biển số giả, biển số không rõ chữ, số... Vì thế xác lập biên bản vi phạm hành chính (đối với một số hành vi phải tước giấy phép và tạm giữ phương tiện) thường rất khó thực hiện, mặt khác một số người vi phạm ở địa phương khác tới trong khi giữa các địa phương lại chưa có cơ chế phối hợp với nhau.

Thiết nghĩ, để bảo đảm hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì cần khắc phục các bất cập trên bằng cách hoàn thiện, tạo ra khung pháp lý vững chắc cho hoạt động xử phạt các hành vi vi phạm giao thông đường bộ trên thực tế.

Văn Thị Phương Linh

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc