Multimedia Đọc Báo in

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng

09:11, 28/02/2021

Để bảo đảm quyền lợi của các bên trong giao dịch dân sự, góp phần bảo đảm công bằng, bình đẳng, ổn định trật tự xã hội, pháp luật nước ta đã ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự, theo đó người có hành vi gây ra thiệt hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất do mình đã gây ra. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi một bên vi phạm nghĩa vụ của mình gây thiệt hại cho bên còn lại thì phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được quy định tại Điều 13; Điều 360; Điều 419 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, đối với các hợp đồng liên quan đến hoạt động thương mại thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 303 Luật Thương mại năm 2005. Thông qua quy định tại các điều này, có thể thấy trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng phát sinh khi hội đủ ba điều kiện sau:

Thứ nhất, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng thì trước tiên phải tồn tại hợp đồng có hiệu lực và có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng này. Hợp đồng có hiệu lực phải thỏa mãn các yếu tố về chủ thể của hợp đồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập; chủ thể tham gia hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện, nghĩa là không bị ép buộc, lừa dối…; nội dung và mục đích của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, hình thức của hợp đồng có thể bằng văn bản hoặc bằng miệng; hợp đồng có công chứng, chứng thực hoặc không bắt buộc công chứng, chứng thực… Hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chính là việc chủ thể có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, bên có nghĩa vụ vi phạm toàn bộ các nghĩa vụ theo hợp đồng, tức là vừa thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn, vừa thực hiện không đầy đủ, vừa thực hiện không đúng nội dung nghĩa vụ theo thỏa thuận.

Thứ hai, phải có thiệt hại thực tế. Như vậy, chỉ khi hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên có nghĩa vụ gây ra thiệt hại cho bên có quyền thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường. Nghĩa là, dù có hành vi vi phạm nghĩa vụ, nhưng vi phạm này không gây ra bất cứ thiệt hại nào cho bên có quyền thì bên vi phạm nghĩa vụ cũng không phải bồi thường.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại thực tế xảy ra. Chỉ những thiệt hại nào phát sinh, mà do nguyên nhân trực tiếp từ hành vi vi phạm nghĩa vụ, thì bên bị vi phạm mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Còn những thiệt hại dù có liên quan đến việc vi phạm nghĩa vụ, nhưng không phải là trực tiếp, thì không thể buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại.

Về mặt nguyên tắc, khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, có thiệt hại thực tế và hành vi vi phạm nghĩa vụ là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại thì người có hành vi vi phạm nghĩa vụ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị vi phạm.  Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cho dù hội đủ ba điều kiện trên, nhưng người có hành vi vi phạm nghĩa vụ vẫn được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể, các trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi trường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gồm: Việc thực hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là do sự kiện bất khả kháng; do thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước; hành vi vi phạm nghĩa vụ hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Ngoài ra, đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ cần xét đến nghĩa vụ hạn chế, ngăn chặn thiệt hại của bên có quyền. Mặc dù bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ và gây ra thiệt hại, nhưng nếu thiệt hại này có thể ngăn chặn hoặc hạn chế được, thì bên có quyền cần ngăn chặn, hạn chế thiệt hại đó. Nếu bên có quyền không thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn thiệt hại thì bên vi phạm chỉ bồi thường thiệt hại cho phần họ gây ra, và sẽ không bồi thường phần thiệt hại, mà lẽ ra có thể hạn chế hoặc ngăn chặn được.                                                                                 

Phan Hiền

(Sở Tư pháp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.