Cẩn thận kẻo "dính" nợ xấu dù không hề vay tiền
Bỗng dưng một ngày nhiều người được ngân hàng thông báo một khoản nợ “từ trên trời rơi xuống” trong khi trước đó họ không hề vay tiền.
Nợ xấu được hiểu là nợ khó đòi khi mà người đi vay không thể trả nợ khi đến hạn thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng, hay nói cách khác là một khoản nợ đã hết hạn thanh toán trong 90 ngày.
Giả sử trong trường hợp một người trước đó đã trực tiếp làm thủ tục vay tiền ở các tổ chức tín dụng, công ty tài chính hay gián tiếp qua việc mua trả góp một mặt hàng nhưng sau đó không có khả năng thanh toán thì sẽ phát sinh nợ xấu. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là những khách hàng tự dưng được thông báo dính vào những khoản nợ xấu kia lại không hề hay biết gì vì họ hoàn toàn không thực hiện hành vi vay tiền hay mua hàng trả góp ở bất kỳ đâu. Khi những người này vô tình liên hệ ngân hàng để giao dịch hay làm các thủ tục thì mới phát hiện ra. Thế thì, vì sao lại có những khoản nợ xấu này? Và những khoản tiền vay đã về tay ai?
“Vay tiêu dùng” hay “vay tín chấp” là những hình thức cho vay rất phổ biến hiện nay, với thủ tục vô cùng đơn giản, nhanh chóng. Thế nhưng, phải chăng chính sự quá linh hoạt và có phần “dễ dãi” trong quy trình kiểm duyệt hồ sơ vay đã tạo kẽ hở cho nhiều đối tượng lợi dụng?
Theo thống kê của Trung tâm Tín dụng quốc gia (CIC), từ năm 2015 đến 2020 đã tiếp nhận xử lý 456 đơn thư khiếu nại, riêng năm 2020 có đến 165 trường hợp, trong đó nợ xấu chiếm 60%, giả mạo chứng minh nhân dân là 55 trường hợp (chủ yếu qua vay trả góp, hồ sơ vay qua app điện tử).
Có thể khẳng định, đã có đối tượng giả mạo hồ sơ vay để chiếm dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng và chắc chắn để làm được điều này chúng phải sử dụng các thông tin cá nhân và giấy tờ tùy thân của nhiều người. Việc nhiều cá nhân "dính" phải nợ xấu như trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan như: Để lộ thông tin cá nhân khi mua hàng hoặc tham gia các sự kiện quảng cáo, rút thăm trúng thưởng…; bị mất giấy tờ cá nhân như: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lấy xe, hộ khẩu…; bị các đối tượng xấu lừa cung cấp thông tin và giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng. Cũng có thể do lỗi chủ quan từ phía khách hàng như: Tùy tiện cho người thân, bạn bè mượn giấy tờ tùy thân; cung cấp thông tin và giấy tờ tùy thân qua các đường dây làm giấy tờ, bằng giả hay cho người lạ thuê sim điện thoại để xác nhận mã OTP.
Điều đáng chú ý khi đã có lịch sử "dính" nợ xấu thì khách hàng sẽ gặp khó khăn trong vay vốn hay thực hiện các thủ tục ở ngân hàng ở những lần sau. Bên cạnh đó là những phiền hà khi phải giải trình, cam kết với phía ngân hàng hoặc cơ quan điều tra để chứng minh cho việc không hay biết về những khoản nợ này. Chính vì thế, mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân và giấy tờ tùy thân của mình, khi bị mất giấy tờ cần báo ngay cơ quan có thẩm quyền để xác minh, xử lý và đặc biệt không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật như: làm giấy tờ, bằng giả; thuê sim điện thoại,…
Với mức chiếm đoạt từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng trên mỗi hồ sơ vay, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, hành vi làm giả hồ sơ vay vốn tại ngân hàng có khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;…”.
Đặng Công Nhật Thuận
Ý kiến bạn đọc