Đóng giả cô dâu, chú rể... lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 41 bị cáo thực hiện 101 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng của 13 cơ sở dịch vụ gia chánh trên địa bàn tỉnh với tổng mức hình phạt hơn 120 năm tù đã khép lại sau 2 ngày xử án (ngày 31-3 và 1-4), song đằng sau bản án là khoảng lặng, ăn năn, hối cải...
Bị cáo H BLuên Kriêng, 36 tuổi, trú xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), chủ mưu của vụ án bị tuyên phạt mức án cao nhất là 15 năm tù giam. Các bị cáo còn lại phải lãnh mức án từ 9 tháng 17 ngày đến 8 năm tù.
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án. |
Bị cáo H’Bơi Ayũn ở xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) bị tuyên án 4 năm tù đã liên tục xin các chủ cơ sở gia chánh cho khất nợ, đi làm thuê kiếm tiền trả. Cuộc sống của gia đình bị cáo H’Bơi trước khi phạm tội luôn túng trước thiếu sau, nên H’Bơi đã mượn tiền nhiều nơi và liên tục bị chủ nợ đòi. Một lần H’Bơi tâm sự hoàn cảnh của mình thì được bị cáo H’Môi Ayũn (người cùng xã) “mách nước” tham gia giả làm người thân cô dâu để làm hợp đồng “ứng tiền” của các cơ sở gia chánh. H’Bơi khai tại tòa, bản thân không biết chữ, chỉ nghĩ đó là mượn tiền, khi nào có thì trả lại nên mới tham gia. Tổng số tiền H’Bơi “mượn” của các chủ cơ sở gia chánh là 47 triệu đồng.
Còn bị cáo H’Ir Niê (56 tuổi) ở buôn Hô (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) gần như đứng không vững khi nghe bị tuyên án 2 năm tù. Bà H’Ir kéo áo lau nước mắt (vì địu cháu nhỏ nên được Hội đồng xét xử cho ngồi ở hàng ghế phía sau) mếu máo nói: "Vì cần tiền trả nợ nên mới nghe lời của bị cáo H’Gái Ayũn đi ký hợp đồng lừa tiền của các cơ sở gia chánh". Được Hội đồng xét xử cho nói lời cuối cùng, bị cáo H'Ir bày tỏ: gia đình đang thế chấp căn nhà cho ngân hàng với số tiền 200 triệu đồng đã đến hạn đóng lãi suất, bản thân lớn tuổi chỉ ở nhà trông các cháu để đỡ “gánh nặng” tiền bạc cho con gái đang làm công nhân ở tỉnh Bình Dương, mong muốn được hưởng án treo để kiếm tiền bồi thường cho các bị hại. Đối mặt với vòng lao lý, bị cáo H’Ir rất hối hận, lo sợ với số nợ ngân hàng đã vay thì cho dù bán căn nhà cũng không đủ tiền trả.
Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản này, cả 41 bị cáo đều thuộc diện trợ giúp pháp lý; trong đó 14 bị cáo thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, còn lại đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn như: con nhỏ, đông con, khuyết vợ hoặc chồng.... Đặc biệt có 2 bị cáo không biết chữ; 23 bị cáo mới học tiểu học, 12 bị cáo học trung học cơ sở, 4 bị cáo trình độ trung học phổ thông. “Do tính chất đặc biệt về hoàn cảnh phạm tội của các bị can, do đó trước và trong phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử, các trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho các bị cáo cố gắng để họ nhận được tình tiết giảm nhẹ như: khai nhận toàn bộ hành vi của mình; là người dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; gia đình có công với cách mạng; đã chủ động khắc phục một phần hoặc hoàn toàn hậu quả nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt; phía bị hại, đại diện các cơ sở gia chánh cũng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo… Điều buồn nhất, đến ngày xét xử vẫn còn hơn 20 bị can chưa bồi thường thiệt hại”, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Y Phi Kbuôr cho biết.
Bà H'Ir Niê (địu cháu) ở buôn Hô (xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar) tại phiên tòa. |
Đại diện các luật sư bào chữa cho một số bị cáo trong vụ án cho hay, dù phiên tòa sơ thẩm đã tuyên, nhưng còn nhiều điểm cần được làm rõ. Trong cáo trạng, nguyên nhân của vụ án xuất phát từ việc muốn có tiền để sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân của các bị cáo, nhưng sự “dễ dãi” của các bị hại là điều kiện để các bị can thực hiện hành vi phạm tội. Có những câu hỏi được đặt ra: tại sao 41 bị cáo là người dân tộc thiểu số có thể ứng được số tiền lên đến gần 1,7 tỷ đồng của 13 cơ sở gia chánh trên toàn tỉnh khi không có những ràng buộc pháp lý một cách chắc chắn. Đơn cử, gia chánh T.V (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) do bà N.T.V làm chủ. Riêng ngày 11-1-2019, bà V. đã thực hiện 4 hợp đồng cho các bị cáo “tạm ứng” chuẩn bị tiệc ở các xã: Ea Tiêu, Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) và Ea Drơng (huyện Cư M’gar) với số tiền 90 triệu đồng… Và tại sao nhiều người dễ dàng cho các bị cáo ứng tiền thông qua cam kết theo kiểu dân sự dù ai cũng hiểu yếu tố rủi ro rất cao.
Theo tìm hiểu, hơn 2 năm gần đây, một số cơ sở gia chánh tại các xã Ea M’droh, Ea Drơng, Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) có hình thức cho cô dâu, chú rể ứng trước tiền để chụp hình, thuê trang phục, tráp, mâm quả… Dịch vụ này chỉ được áp dụng cho các đôi vợ chồng quen mặt, biết địa chỉ và có hoàn cảnh khó khăn. Còn theo các bị hại “đặt cọc” tiền cho các gia đình để họ có kinh phí chuẩn bị lễ cưới, hỏi… cho người thân. Theo lẽ thường, việc đặt cọc tiền cho các chủ cơ sở gia chánh phải là những người đi đặt đám tiệc.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc