Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương
Câu 1. Hội đồng bầu cử quốc gia do cơ quan nào thành lập và có nhiệm vụ, quyền hạn chung như thế nào?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 117 Hiến pháp năm 2013 thì Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
Điều 14 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định nhiệm vụ, quyền hạn chung của Hội đồng bầu cử quốc gia như sau:
- Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội.
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
- Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử.
- Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử.
- Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử.
- Quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử.
Câu 2. Ở địa phương có những tổ chức phụ trách bầu cử nào?
Theo Điều 21 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương bao gồm:
- Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn.
- Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
- Tổ bầu cử.
Câu 3. Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương hoạt động theo những nguyên tắc nào?
Theo Điều 26 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương hoạt động theo những nguyên tắc sau:
- Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
- Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử có quyền trưng tập cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập để giúp thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức bầu cử.
Câu 4. Những trường hợp nào không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử?
Theo Điều 27 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử, gồm:
- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không được làm thành viên ban bầu cử hoặc tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.
- Nếu đã là thành viên của ban bầu cử hoặc tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử. Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập ban bầu cử, tổ bầu cử đó ra quyết định xóa tên người ứng cử khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.
Nguyễn Thanh Bình
(Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc