Multimedia Đọc Báo in

Những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010

19:21, 16/04/2010

Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn gửi các địa phương về các vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010.Theo đó, từ 25-4 đến 7-5, các trường phổ thông sẽ thu phiếu đăng ký dự thi, hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong 3 ngày: 2, 3, 4 tháng 6. Trong 6 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Hóa học, Lịch sử, Địa lí thì các môn Ngoại ngữ và Hóa học thi theo hình thức trắc nghiệm. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng:  Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật. Thí sinh không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy-học thì được thi thay thế bằng môn Vật lý, theo hình thức trắc nghiệm.
Những nét mới
Năm nay, thi tốt nghiệp THPT 2010 vẫn giữ những điểm cơ bản như năm 2009 nhưng có một số điểm mới như sau:
Thứ nhất, đối với các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, Sở GD-ĐT lựa chọn phương án tổ chức thi và báo cáo giải trình với Bộ GD-ĐT bằng văn bản.
Điểm mới thứ hai là đối với phần tự chọn (nếu có) trong đề thi, thí sinh chỉ được làm bài một trong hai phần tự chọn; nếu làm bài cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.
Bên cạnh đó, về sắp xếp danh sách thí sinh trong mỗi cụm trường, sẽ theo hai bước. Bước một là xếp theo môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên), thứ tự là tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và môn thi thay thế; bước hai là xếp danh sách thí sinh phải thi của mỗi môn thi ngoại ngữ và thí sinh của giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a, b, c... của tên thí sinh.
Điểm mới nữa là, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1 điểm trở lên.
Ngoài ra, điểm của bài thi sẽ được điều chỉnh khi điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1 điểm trở lên đối với môn ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác...
Đăng ký dự thi: những lưu ý đối với thí sinh tự do
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, thí sinh phải đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12, không được đăng ký ở cơ sở giáo dục khác; học sinh lớp 12 năm học 2009-2010 ở giáo dục THPT không được đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2010 theo chương trình giáo dục thường xuyên. Đối với thí sinh tự do, đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi cư trú (theo xác nhận về cư trú của UBND cấp xã) hoặc tại trường phổ thông nơi học lớp 12.
Thí sinh tự do đang đi công tác xa được đăng ký dự thi trên địa bàn nơi công tác, nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú và nơi học lớp 12…
Cần lưu ý, các thí sinh bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12 trong những năm trước thì phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi để đủ điều kiện về học lực theo quy định. Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi ở những năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm trong năm học lớp 12 phải có xác nhận của chính quyền cấp xã về phẩm chất đạo đức và việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh, trật tự của địa phương nơi cư trú trong Phiếu đăng ký dự thi.
Ngoài ra, thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên. Thí sinh tự do bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2010 phải có xác nhận lại bản sao học bạ được cấp trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ thi của kỳ thi năm dự thi liền kề trước kỳ thi năm 2010.
Các quy định cần chú ý trong phòng thi
Nếu thí sinh đến phòng thi muộn, nhưng chưa đến thời điểm tính giờ làm bài, giám thị sẽ lập biên bản và cho thí sinh dự thi; tất cả các trường hợp đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài đều không được dự thi.
Sau khi được phát đề, thí sinh phải kiểm tra đề thi để bảo đảm: đề thi có đủ số trang, số lượng câu trắc nghiệm; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu thấy đề thi bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ, thí sinh phải lập tức báo cho giám thị để kịp thời xử lý. Nếu không phát hiện hoặc để gần cuối buổi thi mới báo cáo thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.
Thí sinh ghi tên và số báo danh của mình vào vị trí tương ứng trong đề thi, xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi (mục số 10 trên phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN); sau đó, dùng bút chì lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột. Đặc biệt lưu ý, thí sinh tuyệt đối không ký tên vào phiếu thu bài khi chưa nộp bài.
Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu TLTN bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng. Cùng với đó, lưu ý giữ phiếu TLTN phẳng, không được gập và làm bẩn. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu TLTN.

Lã Hồng Thủy (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc