Multimedia Đọc Báo in

Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Thêm nhiều thuận lợi

16:40, 14/04/2010

Huy động tốt nhiều nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị; đồng thời xây dựng đội ngũ giáo viên đạt trình độ chuẩn là những biện pháp tích cực để ngành Giáo dục tỉnh đạt được những kết quả khả quan trong việc thực hiện Đề án Phát triển giáo dục Mầm non giai đoạn 2006 - 2015. Đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp ngành Giáo dục sớm đạt mục tiêu: huy động 100% trẻ em 5 tuổi đến lớp vào năm 2015.

 

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án Phát triển giáo dục Mầm non giai đoạn 2006 - 2015 của UBND tỉnh, bậc học này đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô và số lượng. Toàn tỉnh hiện có 213 trường Mầm non, với 64.987 học sinh, tăng 12 trường và 2.744 trẻ so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện đề án. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp cũng tăng gần 6%. Năm học 2007 – 2008, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp mới đạt 90,06%, đến năm học 2009 - 2010 là 96,5%.
Lãnh đạo Sở GD - ĐT cho biết, ba năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, tỉnh dành trên 110 tỷ đồng đầu tư cho ngành học Mầm non, chiếm trên 13% Ngân sách chi thường xuyên của toàn ngành. Trong đó, xây dựng cơ bản chiếm trên 50% tổng kinh phí. Cụ thể, năm học 2008 - 2009, toàn tỉnh đã đầu tư trên 65 tỷ đồng xây dựng 185 phòng học, nhà công vụ cho giáo viên mầm non và mua sắm trang thiết bị dạy học. Đi đầu là ngành giáo dục thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pak, huyện Buôn Đôn…Không những thế, những năm gần đây, ngành học này còn nhận được sự đầu tư của những nhà hảo tâm nước ngoài. Điển hình như: Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Krông Ana) đã được một kiều bào Mỹ ủng hộ gần 1 tỷ đồng xây dựng trường lớp, với các phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị khang trang đồng bộ. Hay Công ty TNHH Yến Ngân đầu tư xây dựng Trường Mầm non Quốc tế (TP. Buôn Ma Thuột), trị giá 32 tỷ đồng, đã đưa vào hoạt động năm học 2009 -2010.

Tiết học ngoài trời của thầy và trò Trường Mầm non tư thục 1-6 (TP. BMT)
Tiết học ngoài trời của thầy và trò Trường Mầm non tư thục 1-6 (TP. BMT)
Không chỉ có đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý bậc học Mầm non hệ công lập mà chủ  các cơ sở giáo dục dân lập hàng năm đều được Sở GD - ĐT tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu Chương trình Mầm non mới. Nhờ đó, đến nay, 95,24% giáo viên Mầm non có trình độ đạt chuẩn và 13,9% đạt trình độ trên chuẩn. Cô Trần Thị Phương, phụ trách bậc học Mầm non (Phòng GD - ĐT huyện Buôn Đôn) cho biết, với sự quan tâm đầu tư trên, cộng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho phụ huynh về tầm quan trọng khi cho trẻ ra lớp nhằm chuẩn bị tốt về mọi mặt cho các em vào lớp 1 đã giúp việc huy động cho trẻ 5 tuổi ra lớp thuận lợi hơn nhiều. Ngay cả những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Bằng chứng, tỷ lệ  huy động trẻ em 5 tuổi ở vùng khó khăn của huyện Buôn Đôn luôn đạt trên 90%.
Lãnh đạo Sở GD - ĐT cũng khẳng định, việc huy động trẻ 5 tuổi ra lớp ở tỉnh ta hoàn toàn không khó. Mấu chốt lớn nhất của ngành học này là làm thế nào để giải quyết tốt bài toán về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đồng bộ, đáp ứng Chương trình giáo dục Mầm non mới khi toàn tỉnh vẫn còn trên 400 phòng học mầm non tạm bợ, 21 xã vẫn chưa có trường mầm non, lớp mẫu giáo độc lập. Tuy nhiên, một thuận lợi lớn là Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi  giai đoạn 2010-2025, với tổng kinh phí đầu tư lên tới 14.660 tỷ đồng (bao gồm 4 dự án: xây dựng phòng học, phòng chức năng; Mua sắm trang  thiết bị, đồ chơi; Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo) và Xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia cho các huyện khó khăn. Đây sẽ là nguồn động viên, cổ vũ để đội ngũ giáo viên mầm non, yên tâm với sự nghiệp gieo chữ, góp phần thực hiện thắng lợi công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã thông qua.
Hoa Nguyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.