Multimedia Đọc Báo in

Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (Krông Pak) với nỗ lực duy trì sĩ số học sinh

12:34, 26/06/2010


Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng có 510 em, trong đó, 79% là học sinh dân tộc thiểu số (gồm Êđê, Tày, Nùng); trường lại có đến 3 phân hiệu, học sinh dân tộc thiểu số rải đều ở 5 thôn, buôn: Ea Yông A, Ea Yông B, Gha Mah, Ea Wi và Tac Plu.

Người dân chủ yếu làm nông hoặc làm thuê, chỉ đủ sống qua ngày, nên nhiều người có suy nghĩ: “Đi học chẳng thu được gì, còn lên rẫy lượm củ mì ngày cũng kiếm được vài ba chục ngàn đồng” hoặc “đi học thì cũng chỉ để biết được vài cái chữ là tốt lắm rồi...”. Do vậy, việc học sinh bỏ học ở đây rất phổ biến.
Theo cô H’ Yer, Hiệu trưởng nhà trường thì nhiều em muốn đi học thật sự nhưng nhà nghèo, phải phụ giúp bố mẹ, mải theo người lớn lên nương quên luôn cả chuyện học;  hoặc không có điều kiện để đến lớp đều đặn, một số em bị “mất gốc” từ những năm học trước đó, nên không có khả năng tiếp thu bài, dẫn tới chán nản rồi bỏ học. Đặc biệt, vào vụ mùa, vụ thu hoạch cà phê hay mỗi khi làng có lễ hội là thời điểm mà các em bỏ học nhiều nhất; lớp vắng hẳn, có năm học số học sinh bỏ học lên đến 12 em ! Như trường hợp của H’Raly, học sinh lớp 4B, mặc dù muốn được đi học nhưng lại lo sợ không có ai phụ với mẹ nuôi các em. Nhà H’Raly có đến 10 người, hằng ngày em đi nhặt củ mì, vào mùa thu hoạch thì đi mót cà phê bán kiếm tiền đong gạo. Mải lo kiếm cái ăn trước đã, việc học của H’ Raly vì thế bị coi nhẹ. Còn Y Jek Ni (lớp 4A), thì lại rơi vào đối tượng học yếu, không theo kịp bạn bè trên lớp rồi chán nản, đi học bữa được bữa mất, mặc dù giáo viên đã đến nhà vận động 4, 5 lần mà em vẫn không chịu đến lớp.
Thầy, cô giáo đến nhà vận động H’Raly (lớp 4B) đi học lại
Thầy, cô giáo đến nhà vận động H’Raly (lớp 4B) đi học lại

Trước tình hình đó, Ban Giám hiệu đã họp giáo viên chủ nhiệm, lên kế hoạch đến “gõ cửa” từng nhà để tìm hiểu nguyên nhân, làm công tác tư tưởng và vận động phụ huynh tạo điều kiện cho các em đi học. Đưa được các em đến trường rồi, giáo viên chủ nhiệm phải bám sát, phân công các bạn có học lực khá hơn kèm cặp, giúp đỡ.  Cô Lê Thị Lục, chủ nhiệm lớp 4B thở dài: “Chúng tôi đang phải bám sát các em từng tí, chỉ lơ là một chút là học sinh nghỉ học liền”.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường còn triển khai đồng bộ các biện pháp được xem là thiết thực nhất trong việc chống bỏ học, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh như: Phát động phong trào dạy học bằng chính tâm huyết của người thầy, bằng tình cảm, lòng yêu thương; tổ chức ký cam kết thực hiện cuộc vận động “Hai không” giữa nhà trường, địa phương và Hội phụ huynh học sinh. Trường còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt văn nghệ, thể thao để các em thêm yêu lớp, yêu trường, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nhờ vậy, số học sinh bỏ học ngày càng giảm dần. Năm học vừa qua, đã giảm xuống chỉ còn 3 em.
Có thể nói, với những nỗ lực trên, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc