Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục Mầm non xã Ea Tam (huyện Krông Năng): Bộn bề những mối lo!

06:47, 22/08/2010

Nằm cách trung tâm huyện Krông Năng gần 20 km về hướng đông, Ea Tam là một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn. Hiện, toàn xã có trên 500 trẻ trong độ tuổi đến trường của 14 thôn, buôn, nhưng chỉ có 4 điểm trường mẫu giáo với những lớp học tạm bợ, xuống cấp.

Cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu an toàn
Mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi học sinh, nhưng cho đến nay bậc học này vẫn chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng (đặc biệt tại các xã vùng sâu). Trong số các địa phương, Krông Năng là một trong những huyện có nhiều tổ mẫu giáo (17 tổ) còn học ghép với tiểu học. Điển hình là xã Ea Tam, 4 điểm trường mẫu giáo Tam Thịnh, Tam An, Tam Hiệp và Tam Hòa phải học nhờ cơ sở của Trường Tiểu học Kim Đồng, nhưng thực chất đó là những hội trường cũ của thôn, buôn rất thiếu ánh sáng, ẩm thấp, không có bếp ăn, nước sạch, nhà vệ sinh và đồ dùng học tập, lại được xây dựng cách đây hơn thập kỷ nên hư hỏng, dột nát và nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Chị La Thị Minh, tổ trưởng tổ mầm non ái ngại nói: “Số phòng học mầm non là nhà gỗ tạm bợ, không an toàn cho cô trò, nhất là khi mùa mưa đến”. Như điểm trường Tam An được tổ mẫu giáo đứng ra huy động phụ huynh đóng góp tiền của, sức lao động để dựng lớp, nhưng mưa bão năm 2009 đã đánh sập. Hiện, hơn 25 cháu (4 và 5 tuổi) phải học tạm trong phòng chờ của giáo viên tiểu học rộng 16 m2 với bàn, ghế của tiểu học. Chị Đặng Thị Hà, giáo viên tại điểm trường này bức xúc nói, bàn, ghế không đúng quy cách ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của các cháu, trẻ luôn phải rướn mình để đặt tay lên bàn, còn chân thì không thể chạm tới đất, mỗi khi ngồi học.

Điểm trường Tam Hiệp thì khang trang hơn, phòng học tương đối rộng rãi nhưng bố trí lại không hợp lý, giữa lớp học là hai cây cột, gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên mỗi khi giảng dạy hay tổ chức lắp ráp các trò chơi cho bé. “Điểm trường này hoàn toàn là do tổ mẫu giáo tự bỏ ngày công lao động, huy động phụ huynh đóng góp tiền của để xây dựng nên không phải phụ thuộc vào thôn”, chị Minh tâm sự. Với mỗi giáo viên mầm non tại đây, để được xét vào biên chế ngành phải tự liên hệ với thôn, buôn (cá biệt còn có chị tự xây nhà) để mở lớp. Có những hội trường nằm giữa bãi đất mọc đầy cỏ dại, mối mọt bám đầy tường, phòng học trống hoác với vài ba bộ bàn ghế cũ bám đầy bụi. Trường, lớp khó khăn là vậy, song đồ dùng dạy học còn chật vật hơn. Những đồ dùng đơn giản thì hầu như các cô tự làm lấy hoặc bỏ tiền lương ra mua, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, khiến cho việc giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất điểm Trường Tam Thịnh đang còn nghèo nàn.
Cơ sở vật chất điểm Trường Tam Thịnh đang còn nghèo nàn.

Bộn bề những mối lo
Năm học mới đang đến gần, nhưng trường lớp thiếu thốn nên giáo viên không thể nhận hết số trẻ trong độ tuổi, mà chỉ ưu tiên cho những trẻ 5 tuổi. Nhu cầu học tập của các các cháu thì lớn, nhưng cơ sở vật chất không thể đáp ứng được dẫn đến tình trạng nhiều trẻ không được đến trường học tập vui chơi cùng bạn bè. Một nhóm phụ huynh bức xúc nói, con chúng tôi đều ở lứa tuổi 3, 4 cần được đi học để được uốn nắn, dạy dỗ, nhưng lớp học không đủ, đành để các cháu ở nhà. Song, nỗi lo lớn nhất của giáo viên ở đây là phòng học (thôn Tam Thịnh) có thể xập bất cứ lúc nào, vì đã hư hỏng và xiêu vẹo; bàn, ghế không phù hợp ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Hơn thế nữa, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, có điểm trường lại nằm gần sông, suối tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (bởi chúng thường rủ nhau ra đó chơi). Trường, lớp không hàng rào, không ai trông coi dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất liên tục bị mất và hư hỏng, gây nhiều thiệt hại cho trường mỗi mùa hè qua đi.

Trăn trở về công tác tách trường mầm non ra khỏi tiểu học, chị Hồ Hồng Trinh chuyên viên Phòng Giáo dục huyện phụ trách giáo dục mầm non (GDMN) cho biết, hằng năm Phòng đều tham mưu cho UBND huyện và đã có các công văn chỉ đạo vấn đề này. Tuy nhiên, việc triển khai thì rất “ì ạch”, vì không có nguồn ngân sách đầu tư. Chủ tịch UBND xã Ea Tam Nguyễn Đại Hà nói, vấn đề tách GDMN ra khỏi tiểu học được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương rất quan tâm. Thế nhưng nguồn ngân sách hằng năm của xã rất eo hẹp, không có khoản dành cho GDMN nên phải trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Trưởng Phòng giáo dục, Võ Tá Kiểu cho hay, từ năm 2008, trong nguồn ngân sách của Chương trình 159 (giai đoạn II) dành 20% cho GDMN, kể từ đó việc triển khai công việc này bắt đầu “khởi sắc” ở một số xã trên địa bàn huyện. Trước thực tế đó, ông Hà tự tin hứa: “Nếu như nhận được sự đầu tư của Nhà nước, xã sẽ trích ngân sách từ việc sang đất thổ cư (khoảng 500.000.000 đến 700.000.000 đồng) để xây dựng trường mầm non”.

Tháng 2-2010, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt Đề án Phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, theo đó, các điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng và xây dựng hệ thống trường lớp mầm non phải đủ cho phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Để triển khai tốt đề án này trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, trên hết các cấp ủy và chính quyền địa phương cần quan tâm và đầu tư hơn nữa đối với GDMN.

Tô Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc