Khi con vào lớp 1
Tạm biệt trường Mầm non với những búp bê và gấu mi-sa, bé yêu của chúng ta đã chuẩn bị bước vào lớp 1. Cánh cửa mới mở ra trong cuộc đời con, biết bao ngỡ ngàng hiện lên trên đôi mắt trong veo của con cũng là bao nhiêu nỗi âu lo trăn trở hiện lên trong lòng người mẹ. Tìm hiểu về đặc điểm tâm sinh lý của con khi bước vào lớp 1 là điều mà bất kỳ người mẹ nào cũng nên làm để giúp bé yêu của mình có thể dễ dàng hơn và tự tin hơn khi hòa nhập vào một môi trường mới với biết bao điều mới lạ.
Bé có đặc điểm gì về cơ thể?
Thời kỳ này hệ xương và hệ cơ đang trong thời kỳ phát triển mạnh, hệ thần kinh cao cấp đang hoàn thiện về mặt chức năng. Vì vậy bé sẽ chuyển dần từ hứng thú trò chơi với các đồ vật sang những trò chơi vận động và trò chơi trí tuệ. Mẹ đừng mắng bé vì sao cứ chạy nhảy liên tục và hãy cùng con vui chơi, bé sẽ rất thích đấy.
Đặc điểm quá trình nhận thức của bé có rất nhiều điều thú vị
Tri giác của bé luôn gắn với những hành động trực quan. Tư duy mang đậm màu sắc cảm xúc, nếu hôm nào bé đến lớp trong tâm trạng không tốt thì khả năng tiếp thu bài cũng kém đi, mẹ hãy cố gắng kiên nhẫn với những trò nũng nịu của bé.
Khả năng chú ý của bé còn yếu và thiếu bền vững do quá trình ức chế ở bộ não còn yếu. Bé rất dễ bị phân tán, vì vậy việc bỏ sót một vài đồ dùng học tập ở lớp hay có lúc quên những lời cô giáo dặn vào cuối buổi học là chuyện bình thường, mẹ đừng bực mình, bé đã rất ngoan khi ở trường và rất mong được mẹ khen.
Giai đoạn này bé có khả năng ghi nhớ theo kiểu máy móc và chiếm ưu thế hơn so với ghi nhớ có ý nghĩa. Còn về khả năng tưởng tượng của bé thì đã phát triển hơn rất nhiều so với lứa tuổi mầm non. Mẹ đừng bối rối khi thấy bé chỉ dựa trên một chi tiết có thật để say sưa kể về một câu chuyện lạ, không phải bé cố tình nói dối mẹ đâu, chỉ vì bé muốn làm cho mẹ thích thú hơn với câu chuyện của mình nên đã “phát huy” câu chuyện bằng trí tưởng tượng một cách không chủ định đó thôi. Đừng cắt ngang câu chuyện của bé, hãy lắng nghe và khích lệ để bé phát huy hết trí tưởng tưởng của mình còn nội dung thật của vấn đề mẹ sẽ tìm hiểu sau vào lúc khác.
Tư duy của bé lúc này là tư duy cụ thể, mang tính hình thức bằng cách dựa vào những đặc điểm trực quan của những đối tượng và hình tượng cụ thể. Mẹ đừng ngạc nhiên tại sao bé không nhớ cách viết con chữ mới học trong ngày nhưng lại có thể mô tả rất rõ từng cử chỉ, lời nói của cô khi bé giả làm cô giáo. Và nói nhỏ, nếu ở nhà bố mẹ có cử chỉ, lời nói nào gây ấn tượng thì bé cũng không bao giờ quên kể cho cô giáo trong giờ tập viết đâu đấy.
Tính cách của bé đóng vai trò gì trong ngày đầu đến lớp?
Khi vào lớp 1, nhân cách của bé đang dần được hình thành và phát triển. Hầu hết các bé có tính cách hồn nhiên mang tính tiềm ẩn, những năng lực, tố chất của bé còn chưa bộc lộ rõ rệt. Trong môi trường mới có thể có bé sẽ tỏ ra rụt rè, nhút nhát hơn các bạn. Nhưng các mẹ yên tâm, việc hình thành nhân cách cho bé không thể một sớm một chiều và bé sẽ dần hoàn thiện lên rất nhiều, chỉ cần mẹ hiểu bé và luôn dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, gợi mở để hướng bé đến với những hình mẫu tốt đẹp xung quanh như cha mẹ, thầy cô…
Bé đã biết gì về nội quy lớp học?
Để bé có được tâm trạng tự tin, vui vẻ trong những ngày đầu đến trường, ngoài việc chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho bé như quần áo và đồ dùng học tập, hãy nói nhiều với bé về môi trường mới, thầy cô mới, nội dung học tập mới và nhất là nội quy của trường học, lớp học như: con phải đến trường đúng giờ, trong giờ học muốn phát biểu ý kiến phải giơ tay xin phép, trong buổi học phải học lần lượt từng môn học theo thời khóa biểu…
Mẹ đã nắm chặt tay bé trong bước đi chập chững đầu đời
Vào lớp 1, đó là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của bé. Trong môi trường mới bé sẽ phải tập trung chú ý học tập trong thời gian từ 30-35 phút. Bé phải bước đầu tập kiềm chế tính hiếu động bột phát của mình để chuyển thành tính kỷ luật, nền nếp, nội quy trong học tập. Bé sẽ gặp khó khăn khi phát triển các thao tác khéo léo của đôi tay để tập viết…, tất cả đều là những thử thách lớn đối với bé. Hiểu được những đặc điểm tâm sinh lý của bé lúc này là mẹ đã nắm chặt tay bé để giúp bé tự tin hơn trong bước đi chập chững đầu đời.
Ý kiến bạn đọc