Ngành Giáo dục - Đào tạo Dak Lak: Môi trường học tập thân thiện, hài hòa hơn
Sau 2 năm học (2008-2009, 2009-2010) triển khai phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động, ngành Giáo dục - Đào tạo Dak Lak đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của hầu hết thầy cô giáo, học sinh (HS), Hội Phụ huynh học sinh… trong quá trình thực hiện và đạt được những kết quả nhất định.
Để phong trào đạt hiệu quả cao, các cấp ủy đảng và Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Tính đến tháng 5-2010, toàn tỉnh có 901 trường (Mầm non: 213 trường; Tiểu học: 403 trường; THCS: 220 trường; THPT: 50 trường và 15 Trung tâm GDTX) tham gia phong trào với đầy đủ 5 nội dung: Xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp, an toàn, thu hút HS đến trường; Dạy học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi; Rèn luyện kỹ năng sống; Tổ chức các hoạt động tập thể; Tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.
Trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Đôn) |
Theo thống kê của Sở, hầu như các trường đều tiến hành mở rộng khuôn viên, trồng thêm cây xanh tạo ra môi trường sư phạm hài hòa. Hiện, 293 trường học có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được quy hoạch bảo đảm thoáng mát, sạch đẹp chiếm 32,5%. Từ tháng 9-2008 đến nay, tổng số cây trồng mới là 9.318 cây các loại; 119 số trường có công trình vệ sinh mới, 663/901 trường có công trình hợp vệ sinh; 710 trường học có đủ phòng học, bàn, ghế, tường rào, thiết bị điện nước…, chiếm 78,8%. 100% trường đều có nội dung, chương trình và thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục HS bảo vệ, xây dựng trường, lớp. Bằng nhiều biện pháp, hình thức, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục, cơ sở trường học thực hiện chủ trương “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở) cho HS, không để em nào bỏ học vì thiếu ăn, mặc và sách vở (số HS bỏ học năm vừa qua đã giảm xuống 0,3% so với năm học 2008-2009).
Công tác dạy học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi. Sở đã tiến hành tập huấn cho các hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập của HS. Có 885 trường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đổi mới phương pháp dạy học, chiếm 98,2%. 1.114 giáo viên được công nhân GV dạy giỏi từ cấp huyện trở lên. 95.810 em HS phổ thông đạt loại giỏi toàn diện.
Sau 2 năm học thực hiện nội dung rèn luyện kỹ năng sống cho HS, 100% số trường xây dựng được “Quy tắc ứng xử” giữa các thành viên trong nhà trường, tuyên truyền để HS ký cam kết phòng chống tệ nạn xã hội, tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động giáo dục ngoài giờ, phổ biến Luật Giao thông đường bộ…
Tổ chức trò chơi kéo co tại Trường THPT Y Jut (huyện Cư Kuin) |
Các trường cũng đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh, đưa các trò chơi dân gian vào hoạt động tập thể, vui chơi giải trí; đồng thời giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng của địa phương như Đình Lạc Giao, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Hang đá Dak Tur… Thời gian qua, các trường đã tham gia chăm sóc 2 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, 188 nghĩa trang; chăm sóc, hỗ trợ 15 Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình thương binh - liệt sĩ.
Kết quả, phong trào đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, hào hứng đều khắp các cơ sở, khơi dậy lòng yêu nước, yêu nghề, phát huy tính tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ, rèn luyện đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, giáo viên và HS, bảo đảm các tiêu chí xanh - sạch - đẹp - thân thiện trong môi trường sư phạm. Trong tổng số 901 trường được đánh giá thẩm định việc thực hiện phong trào có 131 trường đạt xuất sắc, gần 600 trường đạt khá, tốt.
Hồng Ngọc
Ý kiến bạn đọc