Sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields danh giá: Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam
18:29, 19/08/2010
Ngay thời khắc thế giới xướng tên Ngô Bảo Châu tại Ấn Độ, giới trí thức trong nước cũng vỡ òa theo niềm vui của người đồng nghiệp trẻ. Sau một khoảng thời gian dài chờ đợi, bản lề mới của Toán học Việt Nam đã được vinh danh trên trường quốc tế.
Ngày 19-8, tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabat, Ấn Độ, giáo sư Ngô Bảo Châu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Fields - giải thưởng quốc tế danh giá được ví như một giải “Nobel Toán học”.
Đích thân Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields cho Ngô Bảo Châu lúc 12 giờ 55 hôm qua, 19-8 (giờ Việt Nam). Cùng với Giáo sư Ngô Bảo Châu còn có ba nhà Toán học khác đoạt giải Fields lần này là Elon lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).
Khác với giải Nobel tổ chức mỗi năm một lần và không hạn chế lứa tuổi, giải Fields tổ chức 4 năm một lần và chỉ dành cho các nhà Toán học có công trình nghiên cứu xuất sắc nhưng dưới 40 tuổi, mỗi lần trao cho không quá 4 người.
Ngày 19-8, tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabat, Ấn Độ, giáo sư Ngô Bảo Châu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Fields - giải thưởng quốc tế danh giá được ví như một giải “Nobel Toán học”.
Đích thân Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields cho Ngô Bảo Châu lúc 12 giờ 55 hôm qua, 19-8 (giờ Việt Nam). Cùng với Giáo sư Ngô Bảo Châu còn có ba nhà Toán học khác đoạt giải Fields lần này là Elon lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).
Khác với giải Nobel tổ chức mỗi năm một lần và không hạn chế lứa tuổi, giải Fields tổ chức 4 năm một lần và chỉ dành cho các nhà Toán học có công trình nghiên cứu xuất sắc nhưng dưới 40 tuổi, mỗi lần trao cho không quá 4 người.
Giáo sư Ngô Bảo Châu |
Vì thế, việc Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng này là một kỳ tích, khẳng định Toán học Việt Nam đã có nhân tố đỉnh cao, sánh ngang các cường quốc Toán học quốc tế.
Giáo sư Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống khoa học. Bố là Giáo sư, tiến sĩ khoa học Ngô Huy Cẩn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Cơ học Việt Nam. Mẹ là Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, hiện công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương và là Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác (Hà Nội).
Trong môi trường ấy, Ngô Bảo Châu đã sớm được rèn luyện tư duy khoa học và phát huy tài năng của mình. Từng học khối phổ thông chuyên Toán của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1988, anh giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế tại Australia với số điểm tuyệt đối 42/42 điểm.
Năm 1989, anh tiếp tục mang về Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế được tổ chức ở Đức, trở thành người Việt Nam đầu tiên giành hai Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế.
Cũng trong năm 1989, Ngô Bảo Châu được nhận học bổng của Chính phủ Pháp và sang theo học tại Trường Đại học Paris 6. Hai năm sau, anh tiếp tục thi vào Trường Đại học Sư phạm Paris, ngôi trường nổi tiếng nhất nước Pháp. Ngô Bảo Châu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1997, khi mới 25 tuổi và năm 31 tuổi bảo vệ luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học).
Năm 2004, Ngô Bảo Châu được trao tặng Giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với thầy của mình là ông Gerard Laumon vì đã chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita. Cũng trong năm này, Ngô Bảo Châu được cả hai trường Đại học Paris 6 và Đại học Paris 11 mời làm giáo sư.
Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị giáo sư trẻ nhất của Việt Nam.
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil (Ảnh: Internet) |
Giáo sư Ngô Bảo Châu hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ), đồng thời là giáo sư của Viện Toán học Việt Nam và Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam. Từ ngày 1-9 tới, anh sẽ làm giáo sư tại khoa Toán trường Đại học Chicago, Mỹ.
Với các công trình khoa học của mình, GS Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo toàn thể trong phiên họp tại Hội nghị Toán học thế giới năm nay được tổ chức tại Ấn Độ.
Không giấu nổi niềm vui khi biết tin Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields danh tiếng, Giáo sư Văn Như Cương đánh giá, thành công của nhà Toán học Ngô Bảo Châu chính là niềm tự hào, một lời khẳng định mạnh mẽ cho trí tuệ của người Việt Nam. Giáo sư Văn Như Cương cũng nhận định, thành công của Ngô Bảo Châu cũng là thành công chung của cả nền Toán học Việt Nam. Thực tế, đã có rất nhiều nhà Toán học giỏi của chúng ta đang làm việc tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Nhiều nước trên thế giới tuy phát triển hơn Việt Nam nhưng cũng chưa đoạt được bất kỳ giải “Nobel Toán học” nào. Thành công của Ngô Bảo Châu một lần nữa khẳng định, Toán học Việt Nam đang có chỗ đứng nhất định trên thế giới. Tuy vẫn là một đất nước nhỏ bé, nhưng Toán học của chúng ta đã đứng thứ 50 và sẽ phấn đấu vươn lên tầm cao hơn nữa.
Q.A (
tổng hợp)
Giáo sư Đào Trọng Thi: Tôi rất tự hào Tôi không được tiếp xúc nhiều với Ngô Bảo Châu nhưng về mặt khoa học, có thể khẳng định anh là người xuất chúng. Các công trình khoa học của anh được các cơ quan khoa học quốc tế rất có uy tín đánh giá cao. Là người Việt Nam và là một người hoạt động trong lĩnh vực Toán học, tôi thấy rất tự hào, nhất là khi Ngô Bảo Châu đã lớn lên từ nôi Toán học Việt Nam và sau nhiều năm ở nước ngoài vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Giáo sư Hà Huy Khoái: Đây là mốc quan trọng cho Toán học Vì giải Nobel không dành cho Toán nên giải Fields được coi là giải Nobel của Toán học. Giải Fields còn khó ở chỗ tổ chức 4 năm một lần và chỉ dành cho các nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc nhưng dưới 40 tuổi, mỗi lần trao không quá bốn người. Đây là một niềm vinh dự lớn lao không chỉ cho GS Ngô Bảo Châu, cho gia đình anh mà cho cả Việt Nam. Và sự kiện Ngô Bảo Châu có thể coi là một “cú hích,” một may mắn lớn cho ngành Toán trong nước. Trong khoa học, vai trò cá nhân rất quan trọng. Tôi cho rằng Ngô Bảo Châu có vai trò này trong việc thay đổi “vận mệnh” ngành Toán nước nhà. Giới trẻ Việt Nam sẽ tự tin hơn để tiếp tục nghiên cứu Toán học. Giáo sư Nguyễn Văn Mậu: Ngô Bảo Châu đã tiếp lửa cho thế hệ trẻ Tôi là người phụ trách đội tuyển Olympic Toán Việt Nam thời điểm Châu đi thi. Đây là cậu học trò xuất sắc. Hai kỳ thi Olympic Toán quốc tế liên tiếp (năm 1988 và 1989) đều giành Huy chương Vàng đã khẳng định sự ổn định và ổn định ở đỉnh cao ở Châu. Việc Châu kiên trì nghiên cứu Bổ đề cơ bản dù đây là một đề tài khó và khả năng thành công thấp cũng cho thấy sự kiên trì và tự tin của anh. Ngô Bảo Châu nhận giải Fields sẽ khẳng định rằng đất nước mình đã có nhân tố đạt trình độ đỉnh cao, sánh ngang với các nền Toán học khác và cả thế giới phải nhìn vào. Tôi cũng hy vọng, sau sự kiện này, chúng ta sẽ xây dựng được các trường phái, nhóm nghiên cứu Toán học để sau này Việt Nam có những nhóm nghiên cứu mà thế giới phải tìm đến. Có thể nói, Ngô Bảo Châu đã tiếp lửa cho những ước mơ chinh phục đỉnh cao khoa học quốc tế của giới trẻ Việt Nam. (Theo Vietnam+) |
Ý kiến bạn đọc