Phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi: Bộn bề những khó khăn
Năm học 2010-2011, cả nước sẽ thực hiện phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tuy nhiên, ở tỉnh ta bậc học mầm non vẫn đang đứng trước những bộn bề khó khăn bởi cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn còn thiếu… nhất là ở những huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thiếu trường lớp
Chúng tôi đến Trường Mầm non xã Cư Pui khi năm học mới vừa bắt đầu, mặc dù các thôn, buôn đều đã có điểm trường nhưng cơ sở vật chất thì vô cùng khó khăn, nghèo nàn. Trong số 14 điểm trường có đến 8 điểm là nhà tạm, thưng bằng phên tre, vách nứa. 6 điểm trường còn lại chỉ là nhà xây cấp 4 từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135 nhưng một số cũng đã xuống cấp. Chưa kể đến các thiết bị dạy học, đồ chơi cho các em hầu như không được đầu tư, trang bị, chủ yếu là trường huy động các thầy cô tự làm. Còn đối với việc chăm sóc sức khỏe thì các em ở vùng sâu, vùng xa như xã Cư Pui thì phải chịu thiệt thòi vì trường không có cán bộ y tế. Cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Cư Pui không ngần ngại chia sẻ: “Là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Krông Bông, địa bàn lại quá rộng, địa hình dốc, giao thông cách trở … nên Cư Pui là xã có nhiều điểm trường nhất trong huyện. Đơn cử như muốn đến được điểm trường buôn Ea Rớt, giáo viên phải vượt qua 3 con suối, đường lại dốc và rất cheo leo, một bên là vực, một bên là núi. Đường sá đi lại khó khăn là vậy nhưng ngay cả lớp học của các em cũng chỉ được dựng tạm bằng tranh tre nứa lá. Rồi đến nước bảo đảm vệ sinh cho các em dùng cũng chưa có, thiếu luôn cả công trình vệ sinh… 2 điểm trường ở thôn Ea Bar, thì phải mượn lớp của trường tiểu học nhưng cũng chỉ là nhà tạm…”
Có lẽ những khó khăn của Trường Mầm non xã Cư Pui cũng là khó khăn chung của giáo dục mầm non toàn tỉnh. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến tháng 5-2010, toàn tỉnh hiện có 217 trường mầm non, trong đó 191 trường công lập, 7 trường bán công và 2 trường dân lập. Tuy nhiên, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học còn thấp. Trong tổng số 2.345 phòng học, chỉ có 466 phòng học kiên cố, còn lại 1.170 phòng học bán kiên cố và 243 phòng học tạm. Hiện vẫn còn 21 xã chưa có trường mầm non độc lập. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia còn thấp, mới 16 trường, chỉ đạt khoảng 7%. Ngoài ra, việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất cho các trường mầm non chủ yếu thực hiện ở phân hiệu chính, còn những điểm trường tại các thôn, buôn thì hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Toàn tỉnh hiện vẫn còn 21 xã chưa có trường mầm non (tổ mẫu giáo vẫn còn trực thuộc phổ thông) do chưa có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tách trường. Còn đối với việc xây dựng các công trình vệ sinh bảo đảm theo yêu cầu mới thì mới chỉ thực hiện ở các trường đạt chuẩn Quốc gia, một số trường ở thị xã, thị trấn của những huyện có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, còn ở những địa bàn các xã, nhất là ở vùng sâu vùng xa thì hầu như không có, nếu có thì cũng không đạt yêu cầu.
Một giờ học ở điểm Trường Mầm non buôn Tara, xã Hòa Đông (Krông Pak). |
Băn khoăn về chất lượng
Cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc bảo đảm cho trẻ 5 tuổi nói riêng cũng như trẻ em 3-4 tuổi được tới lớp vô cùng khó khăn đối với các điểm trường ở xã Cư Pui. Toàn xã có 956 cháu trong độ tuổi mẫu giáo, nhưng chỉ có khoảng 400 cháu là được đến trường. Vì trường lớp thiếu thốn nên trong số đó chỉ ưu tiên cho những trẻ 5 tuổi. Cũng chính vì thiếu thốn về cơ sở vật chất mà việc thực hiện học đủ 2 buổi/ngày đối với những trường học ở đây cũng là một vấn đề nan giải. Chưa kể đến việc chăm sóc sức khỏe cho giáo dục Mầm non gần như bỏ ngỏ vì thiếu hoặc không có cán bộ y tế, chỉ có số ít các trường ở tại địa bàn thành phố. Phần đông cán bộ y tế không muốn làm việc ở bậc mầm non vì lương thấp và không được bồi dưỡng về chuyên môn. Đồ chơi cho trẻ em thì được dùng chung cho các lứa tuổi nên rất nguy hiểm, mất vệ sinh mà không phải trường nào cũng có. Không riêng gì ở Trường Mầm non xã Cư Pui, hầu hết những Trường Mầm non ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn chỉ có những đồ chơi đơn giản do giáo viên tự làm.
Trong 5 năm qua, giáo dục Mầm non của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số trẻ trong độ tuổi được đến lớp 65.464, trong đó nhà trẻ là 3.937, mẫu giáo là 61.527 cháu. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp là 34.305 cháu, đạt 96,58%. Tỷ lệ này khá cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình giáo dục Mầm non mới, đổi mới phương pháp giáo dục Mầm non còn chậm, toàn tỉnh mới có 53 trường với 516 nhóm lớp thực hiện. Ngay như đối với Mầm non 5 tuổi luôn được ưu tiên, tạo điều kiện nhất nhưng số lượng các cháu được học bán trú rất thấp và chủ yếu chỉ ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tại buổi giám sát về giáo dục mầm non của Dak Lak trong tháng 7 vừa qua, ông Lê Minh Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niêu và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Không riêng gì Dak Lak, chất lượng giáo dục mầm non là vấn đề cả nước đang trăn trở.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong tổng số 135.909 phòng học mầm non chỉ có khoảng 50% là kiên cố, số còn lại là bán kiên cố, và vẫn còn tới gần 21% là học nhờ và học tạm (28.315 phòng). Chuyện thiếu trường, thiếu phòng học không chỉ xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn, mà cả ở thành phố lớn. Bên cạnh cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho bậc học này cũng còn thiếu, trong tổng số 18.000 giáo viên hiện có, còn tới 10.000 giáo viên ngoài biên chế (chiếm 54%), 7.500 giáo viên chưa có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Phần lớn giáo viên mầm non được đào tạo chắp vá, qua nhiều loại hình đào tạo, năng lực còn hạn chế. Tháng 2-2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tháng 11, phổ cập GDMN 5 tuổi được luật hóa, nhằm từng bước nâng cao chất lượng GDMN. Riêng đối với Dak Lak, để thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, các cấp ngành của tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến bậc học này. Sở Giáo dục - Đào tạo tích cực tham mưu cho UBND tỉnh để có chính sách phù hợp, quan tâm, ưu tiên chăm lo hơn nữa cho đối tượng này; có các bước chuẩn bị chu đáo cho việc triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; nâng cao hơn chất lượng đội ngũ giáo viên; xây dựng lộ trình tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường, lớp học, trong đó ưu tiên đầu tư cho những phòng học còn tạm bợ ở các xã vùng sâu, vùng xa.”
Ý kiến bạn đọc