Giáo viên vùng sâu đón Tết
Không khí se lạnh, kèm theo chút nắng hanh vàng như kéo nàng Xuân về sớm hơn với xã căn cứ Krông Nô (huyện Lak). Sự thay đổi của tiết trời làm lòng người thêm náo nức, bồi hồi…
Trường THCS Trần Hưng Đạo được đầu tư xây dựng khang trang tạo điểm nhấn cho xã vùng sâu xã Krông Nô (huyện Lak). |
Gắn bó với vùng đất xã Krông Nô hơn 15 năm, cô Bùi Thị Trí Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Nô) cảm nhận sâu sắc sự chuyển mình của mùa Xuân. “Khi những cội mai trút hết lá, trơ thân mình khẳng khiu và… bỗng một sớm mai bung bông vàng rực cả một góc đồi. Mùa Xuân còn là sự hối hả của những chuyến xe đò ngược - xuôi đưa sinh viên từ Trường Đại học Đà Lạt về quê đón Tết; những chiếc xe tải nườm nượp chở nhu yếu phẩm, hoa, cây cảnh phục vụ bà con”.
Những năm trước, điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Krông Nô chưa hội nhập sâu với nhịp độ phát triển chung, nên không khí đón Tết vẫn còn khá mờ nhạt. Sáng mùng Một, bà con vẫn ra đồng làm rẫy. Do đó, những giáo viên về công tác ở đây cũng đón Tết theo một cách rất đặc biệt - cùng bà con xuống đồng cấy lúa, trồng ngô. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, Krông Nô trở thành “đất lành” thu hút nhiều người từ khắp mọi miền trong nước đến lập nghiệp. Kinh tế phát triển, sự giao thoa về văn hóa diễn ra khá mạnh mẽ đã làm cho không khí đón Xuân ở xã vùng sâu heo hút này thêm rộn ràng, đa sắc màu. Chợ Tết không chỉ có một vài chiếc xe tải, với lỉnh kỉnh những hàng hóa phục vụ bà con trong 2-3 ngày cận Tết mà đã hình thành không gian họp chợ sôi động ở nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh Dak Lak-Lâm Đồng với đầy đủ các mặt hàng. Nét độc đáo của chợ Tết ở xã Krông Nô rất giống với chợ Tết vùng cao ở các tỉnh phía Bắc. Sắc váy rực rỡ của các cô gái Mông, Dao, màu áo chàm truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, cùng những sắc màu của hàng trăm loại mặt hàng đã tạo nên sức Xuân căng tràn cho khu chợ ở vùng sâu, vùng xa.
Hòa vào niềm vui của đất trời, các thầy cô giáo ở các trường trên địa bàn xã căn cứ Krông Nô cũng tất bật sắm sửa, trang hoàng nhà cửa chào đón năm mới. Thầy Trương Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo hồ hởi nói: “Ngoài tiền lương cơ bản, mỗi tháng giáo viên công tác tại xã đặc biệt khó khăn Krông Nô còn được nhận thêm tiền thu hút bằng 70% hệ số lương cơ bản, cộng thêm 4 triệu đồng hỗ trợ ban đầu. Với mức thu nhập như hiện nay, giúp giáo viên tổ chức, sắp xếp cuộc sống tương đối sung túc”. So với nhiều nơi trong tỉnh, giáo viên công tác ở xã Krông Nô chịu nhiều thiệt thòi hơn do ở cách xa trung tâm thành phố, huyện; việc “cõng” chữ đến với học sinh gặp nhiều gian nan hơn nữa, nhận thức của phụ huynh nơi đây đối với vấn đề học tập của con em còn hạn chế, nhưng bù lại các thầy cô luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của ngành Giáo dục, chính quyền địa phương. Đối với các giáo viên từ nơi khác về xã công tác, khi lập gia đình, UBND xã Krông Nô cấp 300 m2 đất ở/hộ, giúp giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm bám lớp, bám trường. Một niềm vui lớn đến với các thầy cô giáo, đầu 2010 ngành Giáo dục tỉnh Dak Lak, Công đoàn các trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Sài Gòn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã xây tặng trường nhà công vụ khang trang trị giá 140 triệu đồng. Nhờ đó, các thầy cô giáo được vui Tết đón Xuân trong căn nhà mới khang trang.
Năm nay, các thầy cô giáo Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Krông Nô) đón tết trong nhà công vụ mới. |
Phần lớn giáo viên công tác tại các trường ở xã Krông Nô là người từ tỉnh khác đến, vì vậy, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian các thầy cô giáo về quê sum họp cùng gia đình. Tuy nhiên, đã thành truyền thống, trước khi lên đường về quê đón Tết, các thầy cô giáo tổ chức tất niên, gói bánh tét, bánh chưng, quây quần bên bếp lửa ấm nồng. Quà về quê là những chiếc bánh tét, bánh chưng gói bằng nếp nương đầy “hương vị Krông Nô” do chính tay các thầy cô gói. Những giáo viên ở lại sẽ cùng Đoàn thanh niên xã tổ chức chương trình đón giao thừa tại trụ sở UBND xã.
Một mùa Xuân nữa lại về. Chắc chắn trong sự chộn rộn, bộn bề những công việc thường nhật, một niềm vui, cảm xúc đang dâng tràn trong lòng các thầy cô giáo Trường THCS Trần Hưng Đạo khi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, như tiếp thêm sức lực để các thầy cô giáo “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, mang thật nhiều cái chữ đến với buôn làng của xã Krông Nô”.
Ý kiến bạn đọc