Khi phụ huynh đồng lòng cùng nhà trường
Kết thúc giai đoạn I (2001-2010), huyện Ea Kar có 24/68 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và chỉ đứng sau TP. Buôn Ma Thuột về số lượng trường đạt chuẩn. Kết quả này nhờ thực hiện có hiệu quả, nguyên tắc dân chủ, công khai trong việc xã hội hóa giáo dục.
Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, khó khăn lớn nhất mà ngành Giáo dục huyện Ea Kar phải đối diện khi thực hiện chương trình xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. “Phần lớn các trường học trên địa bàn trước đây đều có chung thực trạng: cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị dạy học thiếu, đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ chiếm tỷ lệ cao..., trong khi đó, nguồn ngân sách đầu tư hằng năm cho giáo dục còn hạn hẹp, chủ yếu dành chi trả lương và các khoản chi thường xuyên. Xuất phát từ thực tế trên, Phòng GD-ĐT đã mạnh dạn tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với việc đề ra các kế hoạch có tính cụ thể, thích hợp trong 5 năm đến 10 năm và tầm nhìn chiến lược xa hơn.
Sau khi được sự đồng ý của UBND huyện, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường rà soát, đánh giá đơn vị theo 5 tiêu chuẩn quy định về công nhận trường chuẩn. Trong đó, tập trung xác định đúng thực trạng của mỗi trường, xây dựng kế hoạch chi tiết lộ trình phấn đấu; đồng thời nêu rõ những phần việc tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh phải tự làm, những phần việc cần có sự đầu tư của Nhà nước, sự tham gia phối hợp của PHHS và các tổ chức xã hội. Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, từng trường vận dụng mức đóng góp từ PHHS bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai để xây dựng cơ sở vật chất phù hợp. Tất cả các khoản thu đóng góp tự nguyện của PHHS được quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Khi đầu tư xây dựng mới, tu sửa, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị…, các trường có sự lựa chọn, ưu tiên công trình cấp thiết, không đầu tư dàn trải.
Dựa vào sức dân, trường THCS Nguyễn Khuyến huyện Ea Kar ngày càng khang trang hơn. |
Ông Phạm Công Nghĩa, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ea Kar cho biết: “Tất cả các hạng mục công trình, trang thiết bị đầu tư cho các trường cần sự đóng góp của nhân dân đều được bàn bạc dân chủ công khai trước cuộc họp PHHS đầu năm học. Trên cơ sở ý kiến của phụ huynh, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh sẽ tổng hợp và đi đến thống nhất mức, thời gian đóng góp. Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh lại là những thanh tra viên giám sát việc thu, chi nguồn vốn tự nguyện đóng góp của PHHS”. Chính sự công khai, minh bạch về tài chính, chất lượng các hạng mục công trình, trang thiết bị mua sắm bảo đảm đã tạo lòng tin của PHHS. Nhờ đó, nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp của phụ huynh hằng năm tăng lên đáng kể. Trong hơn 10 năm qua, đặc biệt từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm ngành Giáo dục huyện Ea Kar đã huy động khoảng 4-5 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, góp phần đáp ứng đủ các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia. Cũng theo ông Nghĩa, sự đồng tình của nhân dân đã tiếp thêm sức mạnh để nhiều trường trên địa bàn huyện mạnh dạn vay vốn của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị; thậm chí có lãnh đạo nhà trường đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình cho ngân hàng vay vốn mở rộng diện tích đất, mua sắm trang thiết bị cho trường theo hướng chuẩn hóa. Điển hình là trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Xuân Phú), Trường Mầm non xã Ea Đar (xã Ea Đar)…
Năm 2008, Trường THCS Nguyễn Khuyến được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I và là điểm sáng trong công tác xã hội hóa giáo dục. Chỉ trong vòng 3 năm (từ 2007-2010), nhà trường đã nhận được sự ủng hộ của PHHS trên 1 tỷ đồng để mua bàn ghế tương hợp, bảng chống lóa, máy vi tính, góp phần xây dựng môi trường sư phạm với các khu riêng biệt như nhà hiệu bộ, học tập, khu giáo dục thể chất, thực hành, thí nghiệm có đầy đủ thiết bị. Ông Đặng Trần Thuần, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến cho biết: “Đối với những công trình, phần việc cần sự chung tay góp sức của PHHS, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian thực hiện, tổng kinh phí đầu tư, nguồn vốn đã có và số tiền cần sự hỗ trợ của PHHS. Trên cơ sở đó, xin ý kiến của PHHS từng lớp. Khi đã được phụ huynh ủng hộ và có kinh phí, Ban Giám hiệu nhà trường mua sắm trang thiết bị bảo đảm chất lượng cam kết.
Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân đã giúp ngành Giáo dục huyện Ea Kar hoàn thành vượt 11,3% chỉ tiêu, kế hoạch về xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa VI và Nghị quyết Hội đồng Nhân dân huyện khóa V đã đề ra. Đặc biệt, Ea Kar là một trong số ít đơn vị cả 3 cấp học và tất cả các xã, thị trấn đều có trường đạt chuẩn. Nhờ được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tổ chức giảng dạy 2 buổi/ngày, đã có tác động tích cực tới việc nâng cao chất lượng giáo dục. Đáng phấn khởi, toàn huyện đã có 26/36 trường tiểu học tổ chức dạy Tiếng Anh và 21 trường tổ chức giảng dạy môn Tin học cho học sinh. Đây là nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo trong các trường, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục THCS, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; đồng thời là động lực để ngành quyết tâm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu có 23 trường học được công nhận đạt chuẩn vào năm 2015.
Ý kiến bạn đọc