Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định vị trí một người bạn đồng hành của ngành Giáo dục

09:38, 18/07/2011

Xây dựng một xã hội học tập, mục tiêu và cũng là chìa khóa của sự phát triển bền vững ở mọi thời kỳ, mọi giai đoạn. Tâm huyết, trách nhiệm, sôi nổi, tích cực, hiệu quả là những gì mà Hội Khuyến học tỉnh đã và đang đóng góp cho sự nghiệp trồng người... Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Khuyến học tỉnh, phóng viên Báo Dak Lak có cuộc trao đổi với ông HÀ NGỌC ĐÀO, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.

* Hội Khuyến học tỉnh tròn sinh nhật 10 tuổi. Nhìn lại 10 năm đóng góp vào sự nghiệp trồng người của tổ chức Hội, hẳn có nhiều điều  ông muốn chia sẻ?

 
- Hội Khuyến học tỉnh được thành lập năm 2001. Giai đoạn đầu Hội tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền thành lập Hội, phát triển hội viên. Những bước đi đầu tiên để đánh giá hiệu quả cũng như làm nền tảng cho việc nhân rộng, phát triển tổ chức này là xây dựng một số mô hình thí điểm công tác khuyến học khuyến tài.
Thật mừng là bằng những bước đi vững chắc ấy cộng với sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, phong trào khuyến học tỉnh từ chưa có nay đã phát triển khá toàn diện và vững chắc, trở thành hoạt động thường xuyên, sôi nổi chăm lo khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

* Ông có thể minh chứng cụ thể cho sự phát triển toàn diện cũng như các hoạt động sôi nổi chăm lo khuyến học khuyến tài?

- Từ những mô hình điểm về công tác khuyến học, đến nay 15/15 huyện, thị xã, thành phố; 185/185 xã, phường, thị trấn đã thành lập được tổ chức hội, trong đó có nhiều xã mới thành lập, nhiều đơn vị ở các vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Phong trào thi đua khuyến học khuyến tài sôi nổi, liên tục trong các cấp hội, trong các hội đồng hương, các dòng học, tổ chức tôn giáo. Điển hình như Hội Khuyến học xã Cư Kbang, Ia J’lơi (Ea Súp), Hội Khuyến học xã Ea Huar (Buôn Đôn); Ban Khuyến học của Hội Cựu chiến binh, Huyện Đoàn Krông Pak; họ Hoàng, họ Vũ ở xã Dray Sáp, họ Nguyễn ở xã Ea Na của huyện Krông Ana; chi hội đồng hương Quỳnh Lộc, Nghệ An ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng; chi hội giáo xứ Châu Sơn, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột và hàng trăm cán bộ hội các cấp tâm huyết với phong trào.
Một hoạt động khác mang đậm tính xã hội hóa là việc xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học, khuyến tài. Quỹ Khuyến học khuyến tài trong tỉnh đã tận dụng mọi nguồn thu để tặng học bổng, khen thưởng giáo viên, học sinh với con số lên đến hàng vạn. Thống kê chưa đầy đủ, năm 2010 hơn 15 tỷ đồng là khoản kinh phí mà Quỹ Khuyến học, khuyến tài ở cả 3 cấp đã khen thưởng, hỗ trợ giáo viên, học sinh. Vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng gắn với mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ… cũng được củng cố và phát triển. Tính đến năm 2010 toàn tỉnh có 70% số xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng.

Nhiều học sinh nghèo hiếu học được nhận học bổng từ Quỹ  khuyến học, khuyến tài.
Nhiều học sinh nghèo hiếu học được nhận học bổng từ Quỹ khuyến học, khuyến tài.
* Ở góc độ góp phần xây dựng xã hội học tập, ông có thể phân tích cụ thể hơn vai trò của Hội Khuyến học?

- Hội Khuyến học các cấp liên tục tham gia các hoạt động của ngành Giáo dục  như vận động các em trong độ tuổi đi học, khắc phục tình trạng bỏ học, giáo dục nhân cách sống, kỹ năng sống cho học sinh, phổ cập giáo dục… Vì vậy Hội được công nhận là người bạn đồng hành của ngành Giáo dục trong sự nghiệp trồng người. Hội Khuyến học thường xuyên tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng quan tâm công tác khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập. Cụ thể, khẳng định vai trò trung tâm đồng thời cũng là cầu nối cho khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học các cấp đã thực hiện nhiều chương trình phối hợp với các cơ quan đơn vị. Đó là xây dựng chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội Khuyến học với Hội Người cao tuổi nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; phối hợp với Ban Phong trào của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng phong trào gia đình hiếu học, dòng học, hội đồng hương khuyến học.

* Xin cảm ơn ông!

Đàm Thuần (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc