Multimedia Đọc Báo in

Những điểm sáng trong phong trào khuyến học

09:39, 18/07/2011

Những năm qua, hoạt động khuyến học, khuyến tài đã được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh. Nhiều địa phương đã phát động thành “cuộc cách mạng” thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia làm khuyến học với những cách làm sáng tạo, phong phú, từ đó tạo nên những đổi mới trong công tác giáo dục, tiến tới xây dựng xã hội học tập.

“Làng đại học” 719   
Nằm trên địa bàn xã Ea Kly (huyện Krông Pak), Công ty cà phê 719 không chỉ được biết đến là một doanh nghiệp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ gia đình mà vùng đất nơi công ty tọa lạc còn được ví là “làng đại học”, bởi từ năm 1997 đến nay, nơi đây đã có khoảng 2.000 học sinh là con em của các thế hệ cán bộ công nhân viên công ty thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; hàng trăm em được công nhận là học sinh giỏi các cấp; đặc biệt hầu như năm nào cũng có học sinh giỏi cấp Quốc gia. Truyền thống hiếu học trong các gia đình cán bộ công nhân viên công ty càng được dấy lên kể từ khi Hội khuyến học Công ty cà phê 719 ra đời.

Trải qua gần 6 năm hình thành và đi vào hoạt động, tuy còn rất non trẻ so với nhiều tổ chức hội khác, song những kết quả mà Hội khuyến học Công ty cà phê 719 tạo ra không phải nơi nào cũng làm được. Đến thời điểm này, trong số 972 gia đình cán bộ công nhân viên toàn công ty đã có 1.056 người tham gia Hội khuyến học sinh hoạt tại 10 chi hội (9 chi hội sản xuất, 1 chi hội cơ quan); 922 gia đình đăng ký xây dựng gia đình hiếu học, trong đó có 377 gia đình được công nhận gia đình hiếu học cấp cơ sở và 32 gia đình được công nhận gia đình hiếu học cấp huyện; đặc biệt, không có trường hợp con em gia đình hội viên bỏ học… Theo ông Nguyễn Huy Bá, Phó Giám đốc Công ty cà phê 719, Chủ tịch Hội khuyến học của công ty, thành công của Hội ngày hôm nay là bắt nguồn từ truyền thống hiếu học được ban giám đốc công ty qua các thời kỳ dày công vun đắp trong suốt mấy chục năm qua. Năm 1975, khi công ty thành lập, hệ thống trường lớp cho giáo dục trên địa bàn không có trong khi con em cán bộ công nhân viên lại đông. Để bảo đảm cho con em trong công ty có điều kiện học tập, Công ty đã xây dựng trường học, mời giáo viên về dạy học cho con em trong vùng. Nhờ ý tưởng đó, một hệ thống trường lớp gồm 5 trường từ mầm non đến THPT đã được công ty đầu tư xây dựng với tổng vốn gần 11 tỷ đồng đã được hình thành phục vụ nhu cầu học tập của con em cán bộ công nhân viên công ty và con em trong vùng suốt những năm qua. Và từ đó đến nay, truyền thống hiếu học đã được dấy lên mạnh mẽ và công tác khuyến học, khuyến tài trở thành phong trào chung để tất cả các gia đình cán bộ công nhân viên thi đua thực hiện.

Cũng từ việc duy trì được truyền thống hiếu học trong các thế hệ cán bộ công nhân viên, cộng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt của công ty, Hội khuyến học Công ty cà phê 719 đã tạo được không khí thi đua sôi nổi trong các gia đình hội viên. Các gia đình thì phấn đấu trở thành gia đình hiếu học; học sinh thì phấn đấu học giỏi, phấn đấu thi đỗ đại học, cao đẳng; các phòng, ban, đội sản xuất thì phấn đấu trở thành phòng khuyến học, chi hội khuyến học. Và ở nơi đây, chuyện những gia đình có 2, 3, con tốt nghiệp cao đẳng, đại học và sau đại học không phải là hiếm. Đông hội viên, lại có phong trào thi đua sôi nổi, chưa đầy 6 năm, Hội  khuyến học Công ty cà phê 719 đã huy động được nguồn Quỹ khuyến học lên đến gần 300 triệu đồng (chưa kể hội phí) để tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần xây dựng xã hội học tập như: hỗ trợ các nhà trường mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; trung bình mỗi năm khen thưởng trên 200 giáo viên, sinh viên và học sinh có thành tích tốt trong dạy và học với mức khen thưởng cao (học sinh giỏi cấp Quốc gia là 1.500.000 đồng/em; giáo viên có học sinh đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia là 2.000.000 đồng/người; học sinh giỏi cấp tỉnh là từ 500.000 – 1.000.000 đồng/em; học sinh giỏi cấp huyện là 300.000 đồng/em; học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng là 200.000 đồng/em); đồng thời phối hợp với các nhà trường triển khai học bổng “Thắp sáng ước mơ” để hỗ trợ kịp thời những học sinh tàn tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Chính những việc làm thiết thực ấy lại càng làm cho phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong giáo viên và học sinh được dấy lên mạnh mẽ, tạo động lực cho phong trào giáo dục của địa phương phát triển đi lên. 

Điểm sáng khuyến học ở một xã thuần nông
Là một xã thuần nông, đông dân cư, với 10 trường học từ bậc mẫu giáo đến trung học phổ thông, những năm qua chất lượng giáo dục cũng như phong trào khuyến học, khuyến tài của xã Cư Ni (huyện Ea Kar) có những chuyển biến tích cực; trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Hội Khuyến học xã.
Thành lập từ tháng 8 – 2004, Hội Khuyến học xã Cư Ni thời gian đầu gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như cách thức hoạt động. Nhưng với sự nhiệt tình của các thành viên trong Ban chấp hành và nhận được sự quan tâm của Hội Khuyến học huyện, Phòng Giáo dục – Đào tạo đầu tư về cơ sở vật chất, hỗ trợ các kiến thức, tài liệu…, Hội Khuyến học xã đã dần phát triển. Nếu thời gian đầu chỉ có 296 hội viên tham gia với vỏn vẹn 16 triệu đồng tiền Quỹ thì đến nay, sau 7 năm hoạt động, Hội đã phát triển được 3.183 hội viên,  Quỹ Khuyến học hiện có 37 triệu đồng.

Cô, trò Trường mẫu giáo Sao Mai (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) trong giờ sinh hoạt.
Cô, trò Trường mẫu giáo Sao Mai (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) trong giờ sinh hoạt.

Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã đồng thời là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cư Ni cho biết: “Địa bàn xã đông dân cư (khoảng 17.500 người) và hầu hết các gia đình đều rất quan tâm đến việc học hành của con cái nên qua thời  gian hoạt động của Hội có hiệu quả, bà con đã nhiệt tình hưởng ứng, sẵn lòng đóng góp cho phong trào khuyến học. Mặt khác, Ban chấp hành cũng vận động được nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài trợ, phát thưởng hằng năm cho các cháu học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Xác định với 16 triệu tiền Quỹ gốc gửi ngân hàng, nếu chi thâm vào thì sẽ nhanh chóng hết quỹ, nên Ban chấp hành đã có thỏa thuận không chi thâm vào tiền quỹ gốc, mà chỉ chi trong khoản tiền lãi phát sinh và huy động nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ, đóng góp hằng năm để phát thưởng cho khuyến học. Trong năm 2010, Hội Khuyến học xã đã tổ chức đêm giao lưu “Thắp sáng ước mơ”, huy động được cả về hiện vật lẫn tiền mặt là 48 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, hiện vật phần thưởng khuyến học (xe đạp, sách vở, cặp sách) và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó thì còn lại được 21 triệu đồng bổ sung vào Quỹ gốc…”

 

Có thể nói, từ khi Hội Khuyến học xã Cư Ni được thành lập, nhiều phong trào, hoạt động khuyến học, khuyến tài đã được phát động và đẩy mạnh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Hằng năm Hội khuyến học xã đều tổ chức khen thưởng các em học sinh giỏi và hỗ trợ sách, vở, giấy bút, các đồ dùng học tập cho học sinh nghèo vượt khó. Riêng năm 2010 vừa qua, Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng cho 16 em (mỗi em được nhận 200.000 đồng/tháng trong 9 tháng học); tặng 12 chiếc xe đạp (mỗi xe trị giá 900.000 đồng); tặng 140 cặp sách, 1.600 quyển vở cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh đó, Hội cũng thường động viên, khen thưởng các giáo viên, học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia cũng như tổ chức khen thưởng các chi hội, cá nhân có thành tích tốt trong phong trào khuyến học của xã…

Với những cách làm có hiệu quả, phong trào khuyến học xã Cư Ni dẫn đầu toàn huyện; tạo tác động tích cực đến sự nghiệp giáo dục, góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội học tập của huyện Ea Kar. Hằng năm tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt cao; số học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng đạt từ 150 đến 170 em/1 năm. Nhiều gia đình, dòng họ khuyến học, hội đồng hương khuyến học được công nhận và hoạt động có hiệu quả như dòng họ Nguyễn (Hải Dương), họ Đỗ (Nam Định), họ Đào (Hưng Yên). Hội đồng hương khuyến học, có các hội đồng hương Nam Định, Hải Dương, Thái Bình… và những gia đình hiếu học tiêu biểu như gia đình các ông Nguyễn Thanh Hải (thôn 4), Trần Quang Tiến (thôn 1A), Nguyễn Minh Tuấn (thôn 3)… đều có đông con cháu học đại học và sau đại học.

Lan Anh - Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc